Match System to Real-World

Thiết kế sản phẩm tương quan với đời thực của người dùng

Kindle-real-world-matching-device

(Hình: Kindle classic, nguồn: Inernet)

Đây không phải là một blog nhằm lăng xê cho sản phẩm Kindle.

Match System to Real-World, tạm dịch nôm na là “Thiết kế sản phẩm tương quan với đời thực của người dùng”, là một trong 10 qui tắc thiết kế giao diện nổi tiếng của Jacob Nielsen, chuyên gia đầu ngành về UX, nêu ra. Và như một lẽ tất yếu, khái niệm này đã và đang được áp dụng rất nhiều trong thiết kế sản phẩm hiện nay.

Hôm nay tôi có nhận một câu hỏi liên quan tới khái niệm này, không phải là định nghĩa nó là gì, mà là “Hãy lấy ví dụ về một sản phẩm mà nó matching real-world nhất…”, bỗng nhiên tôi nhớ ngay tới Kindle.

Ai cũng biết rằng trong thế giới ngày nay, có rất rất nhiều sản phẩm đã và đang cố gắng để matching với đời thực, như các phần mềm soạn thảo văn bản, hệ thống thư thoại, hệ thống hỗ trợ support online, các thiết bị chơi game mô phỏng đua xe ô tô, đua xe gắn máy… nhưng tại sao tôi chọn Kindle? Với quan điểm cá nhân của mình, theo tôi, có vài lý do như sau:

  • Kindle (bản classic và bản basic) nhỏ gọn, và nhẹ, mỏng. Chính vì vậy, người dùng có thể cầm thiết bị này bằng một tay trong một khoảng thời gian mà không thấy mỏi. Tất nhiên là vì tính gọn nhẹ, Kindle cũng dễ dàng mang đi mọi lúc, mọi nơi.
  • Kích thước không lớn (như iPad) và không nhỏ (như iPhone, tablet), mà nó vừa tay như một cuốn sách. Kích thước này khiến người dùng liên tưởng như mình cầm một cuốn sách.
  • Font chữ và kiểu chữ, cũng như màu sắc của chữ khi đọc sách bằng Kindle được thiết kế gần giống như mực in đối với sách thậtChính sự nghiên cứu và cho ra đời tính năng này giúp người đọc có thể chăm chú đọc sách qua màn hình Kindle trong khoảng thời gian dài mà không bị mỏi mắt. Và thiết kế này cũng giúp người đọc có thể sử dụng Kindle ở ngoài trời như đang đọc sách giấy. Điều này các thiết bị tablet hiện không làm được. Nếu mang iPad hay Samsung tablet ra bãi biển, bạn sẽ bị chói sáng và không nhìn rõ màn hình. Tất nhiên điểm bất lợi là nếu người dùng muốn đọc sách trong bóng tối với Kindle thì phải cần tới sự trợ giúp của đèn đọc sách. Thì có sao? Khi bạn đọc sách giấy vào ban đêm, bạn vẫn phải bật đèn đó thôi!
  • Kindle có thể vào internet với wifi, có thể chơi nhạc mp3 nhưng những tính năng này thật tệ… và ít khi tôi dùng nó (tôi nghĩ những người dùng khác cũng vậy). Nhưng một lần nữa nó cũng không phải là vấn đề, bởi Kindle là để đọc sách!  Và người dùng chỉ sử dụng Kindle khi cần đọc sách mà thôi. Tính năng kết nối internet có lẽ được dùng nhiều nhất khi cần tải sách từ Amazon.com. UX cũng là ở đây, khi loại bỏ những thứ rườm rà, tập trung người dùng vào tính năng quan trọng nhất của sản phẩm.
  • Khi có nhu cầu chuyển trang hoặc lật trang sách, Kindle được thiết kế với các nút lật trang ở cả hai bên. Nhìn có vẻ thừa thãi, nhưng không, nó giúp người dùng (vốn dĩ lười biếng) sử dụng dễ dàng hơn dù đang cầm thiết bị bằng tay phải, hay tay trái. Đó chính là Easy to use.
  • Đặc tính cuối cùng, cái mà tôi thích nhất, nghe có vẻ chẳng liên quan gì tới UX. Đó chính là thời lượng pin của Kindle basic/classical. Thời lượng pin của dòng thiết bị này lên tới 30-45 ngày. Nghĩa là tôi có thể mang Kindle đi công tác, đi du lịch cả tháng trời mà không cần phải sạc pin. Thì sao? Thì có nghĩa là, khác với các sản phẩm hiện đại như iPad, iPhone, Tablet… Kindle đã làm được một việc rất “matching the real world” đó là khiến cho người dùng có thể quên đi rằng họ đang dùng một thiết bị điện tử. Bỏ qua nỗi lo hết điện, bỏ qua những ổ cắm, dây nối.v.v… Và đó chính là mục đích quan trọng nhất để gắn kết người dùng, đưa công nghệ vào thế giới thực.

Một lần nữa, xin tái khẳng định, blog này không phải để lăng xê Kindle. Bây giờ, có thể theo xu thế, Amazon đã có Kindle Fire, Kindle touch, nhưng có lẽ với cá nhân tôi, Kindle classic (hiện tôi vẫn đang sử dụng) vẫn là một trong những sản phẩm hướng tới người dùng nhiều nhất, UX nhất.