UX Thailand Feb 2019

May mắn biết đến event này khi đang tham dự UXSEA ở Singapore hồi tháng 11 năm ngoái, và nhìn thoáng qua thấy ban tổ chức có liên hệ với IDF để hợp tác, thế là mình liên hệ và nhận được vé mời ;). Ban đầu, bản thân mình nghĩ rằng chắc sự kiện cũng chỉ như UX event ở Singapore, nhưng trên thực tế thì qui mô của UXThailand2019 lớn hơn nhiều.

Với hơn 700+ người tham dự và các diễn giả được mời từ Mỹ như Jared Spool, hay Melissa Perri (tác giả cuốn “Escape the build trap”), phối hợp với những người làm trong ngành và nhiều kinh nghiệm tại Thoughtworks, cũng như các công ty digital ở Thailand, UXThailand2019 đã thực sự gây ấn tượng.

Mở đầu chương trình
Thẻ đăng ký của mình
Sảnh hội nghị.

Từ khâu tổ chức rất chuyên nghiệp, bài bản và qui mô, cho tới những “phụ kiện”, quà tặng và bố trí không gian ăn uống, giao lưu dành cho người tham dự cho thấy ban tổ chức rất quan tâm đến “trải nghiệm” của khách đến event. Không gian của địa điểm hội thảo là một nhà hát hiện đại trên tầng thượng của Siam Square với các thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu không chê vào đâu được.

Gặp lại team UX Malaysia, Indonesia và cả Philippines.
Giới thiệu về VR/AR trong user reseach tại sân bay New Zealand

Khi buổi hội thảo bắt đầu, ngay từ chủ đề đầu tiên của Melissa Perri đã làm tôi và các đồng nghiệp ấn tượng. Escape the build trap là tên của cuốn sách mà chính Melissa Perri là tác giả. Chủ đề được xoay quanh việc tập trung vào tầm nhìn của sản phẩm, xây dựng sản phẩm phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng (client expectation) và làm sao đảm bảo được rằng, sản phẩm làm ra sẽ giúp khách hàng chinh phục được người dùng, đạt được mục tiêu cần thiết của dự án. Để làm được điều này, nhóm làm sản phẩm cần “bớt” thần tượng hoá Agile / scrum một cách máy móc mà cần tập trung vào những valuable deliveries, nghĩa là các bản “build” thực sự tạo ra giá trị như tăng tỷ lệ CRO, giảm tỷ lệ rời bỏ sản phẩm (app abandonment), v.v… Đằng sau việc này là quá trình thay đổi tư duy làm sản phẩm, cả team cần phối hợp với khách hàng để tạo ra sản phẩm có giá trị thực với người dùng thay vì làm ra một sản phẩm “theo đúng yêu cầu” của chủ đầu tư. Tất nhiên bạn có thể phản biện rằng việc này khó, không chỉ khó ở Việt Nam mà khó đối với bất cứ team làm sản phẩm nào trên Thế Giới (vì 99% các chủ đầu tư thường rất “tự tin” vào nhận định của mình). Mặc dù vậy, cái cần nắm bắt ở đây là tư duy, tư duy đúng thì sản phẩm làm ra sẽ giải quyết đúng vấn đề của end-user, và nó sẽ mang đúng nghĩa “user-centered” design. Đối với cá nhân mình, đây là bài trình bày làm hài lỏng phần lớn mọi người trong khán phòng và nó là một trong 02 bài nói tốt nhất của hội thảo.

Melissa Perri trong bài trình bày của mình.
Product kata – Melissa Perri

Tiếp theo là một số chủ đề “buồn ngủ” khác mà mình không muốn đề cập tới. Một phần là nó hơi “xa vời” so với những gì đang diễn ra tại Đông Nam Á, một phần là người trình bày không “truyền năng lượng” được cho khán giá. Chính vì thế mà thời gian giữa ngày của buổi hội thảo mình không tập trung cho lắm 😛

Bài nói ấn tượng thứ 2 cũng là bài trình bày cuối cùng của hội thảo thuộc về Jared Spool. Ai ở trong ngành HCI và UI lâu rồi thì đều biết bác này với trang web http://www.uie.com và các khoá học liên quan. Đây cũng là tác giả viết về UI design từ những năm 80′, 90′ khi máy tính chỉ có giao diện command line hoặc cùng lắm là GUI (Windows).

Đến với UXThailand2019 Jared Spool có bài phát biểu về chủ đề mơ hồ, và nhạy cảm, cũng rất khó đó là “future of UX design”. Nó khó bởi tương lai ai cũng “chém” qua qua được nhưng để định hình cho những người đi sau mình một cách nghiêm túc thì thực sự rất..rất khó. Nhưng Jared Spool đã làm rất tốt công việc của mình bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, dẫn dắt người nghe đi vào kịch bản của ông, để rồi mô hình hoá một loạt những ý tưởng mới. Một trong những ý tưởng quan trọng nhất đó là “broken comb” nhằm thể hiện ý tưởng phát triển kỹ năng của người làm trong ngày UX / digital design. Trước đây, khi đọc và học về Agile shortcuts hồi năm 2013, mình có biết đến T-shape model với cột dọc của chữ T là kiến thức nền tảng, và thanh ngang của chữ T là kiến thức mở rộng. (mọi người có thể google T-shape skill model để hiểu thêm nhé), nhưng với việc khuyến khích và đòi hỏi việc học liên tục của ngành, Jared Spool đã đưa ra đề xuất….học đều các kỹ năng, và theo thời gian, các kỹ năng này sẽ được tích luỹ, ghi nhớ rồi bổ trợ cho nhau (xem hình phía dưới).

Với những người mới vào ngành hoặc mới chuyển qua học về UX / product / UI design, các bạn có thể thấy hơi mông lung và mô hình này hơi quá sức. Nhưng thực tế là nếu đã làm digital product design một thời gian, kinh qua nhiều vị trí cũng như nhiều dự án thì các bạn sẽ thấy việc phải đọc và học thêm các kiến thức như business model, business operation, leadership, team building, psychology, marketing, customer serivce, business analysis, hay thậm chí IT (IA, mobile / web architect…) là điều không tránh khỏi (nếu không muốn nói là bắt buộc) để có thể hiểu sản phẩm, hiểu về hành vi tổ chức (tổ chức của mình và của khách hàng) để từ đó làm ra sản phẩm “thoả mãn yêu cầu”.

Jared Spool cũng có nói rằng: “ban đầu, bạn cứ bám sát kỹ năng nền tảng của mình, nhưng liên tục học hỏi và mở rộng kiến thức sang các mảng khác, lâu dần, kiến thức đó sẽ là của bạn”. Với cá nhân mình, mình thấy đúng.

Sân khấu, với logo của IDF ở dưới cùng, cạnh Axure 😀
Sự tiến hoá của ngành UX / UI design
Mô hình broken comb skill learning

Hội thảo kết thúc cũng là lúc để “team building” với các bạn trong khu vực và điều bất ngờ nhất là có nhiều bạn đến từ…Myanmar, một đất nước mà bản thân mình nghĩ vẫn chưa “năng động” bằng Việt Nam. Vậy mà, số người đến từ Việt Nam chỉ đếm được ít hơn số ngón tay trên một bàn tay 😦

Với nhiều người, tham gia hội thảo là sự kiện “tốn tiền” và thực sự không muốn “đầu tư” để..đi. Nhưng nếu không “chịu khó” đi và bước ra xem Thế Giới ngoài kia, người ta đang làm cái gì? Với tôi đây là điều quan trọng khi ở Việt Nam, phần lớn các bạn chỉ làm Web, mobile App và thậm chí các web và app các bạn làm cũng “bó hẹp” trong những mảng ít nghiệp vụ hoặc trong những ngành đã bão hoà như đặt xe, gọi đồ ăn, e-commerce.v.v..

Bản ghi chép của team UX Malaysia

Khép lại 2 ngày hội thảo và workshop, ban tổ chức UXThailand2019 thực sự đã làm rất tốt công việc của mình. Các diễn giả cũng như bài trình bày của họ chất lượng hơn rất nhiều những UX event khác trong khu vực. Hy vọng rằng, sang năm 2020, sẽ có nhiều bạn ở Việt Nam tham gia sự kiện này hơn, và xa hơn là UX Vietnam có thể có những event như thế này.

Bangkok, tháng 02/2019