Làm CX có cần copy từ case studies đã thành công?

Gần đây mình nhận được phản hồi của khách hàng về CX program (Customer experience) dưới ‘format’ chung chung như sau:

Xây dựng và nâng cao trải nghiệm khách hàng là 1 dự án phức tạp và tổng quan của nhiều hoạt động từ sản phẩm, quy trình, hình thức, cách tiếp cận…

Rồi sau đó họ yêu cầu Adaptis chia sẻ ‘cách triển khai cụ thể của 1 case study thực tế đã có hướng đi, cách làm và kết quả tốt trong việc xây dựng trải nghiệm khách hàng cho đối tượng khách hàng…’ và nhóm khách hàng đó ‘phù hợp’ với công ty của họ.

Bạn sẽ làm gì với yêu cầu này?

Yêu cầu này làm mình nhớ đến hồi 2009-2010 khi đi pitching làm website, các anh/chị bộ phận marketing hay có câu hỏi: ‘show cho anh/chị website và dự án mà em tâm đắc nhất, thành công nhất…?‘. Khi làm sale nhiều rồi thì mình nhận ra mấy vấn đề từ cách tiếp cận này, cụ thể như sau:

  • Người hỏi chưa thực sự biết bắt đầu từ đâu, do đó, tìm một thứ gì đó phù hợp và copy là lựa chọn an toàn.
  • Người hỏi chưa thực sự biết rõ vấn đề của họ là gì? do đó nhiệm vụ và mục tiêu chưa rõ ràng.
  • Người hỏi đang muốn nhìn vào kết quả mà quên rằng kết quả thành công (dù nhỏ) là quá trình và là đầu ra của rất nhiều phép thử. (đặc biệt đúng với digital product)
  • Cho dù bạn có show ra một vài ‘case studies’ thực sự tốt, thì mục đích của người hỏi vẫn muốn biết được toàn bộ quá trình mà bạn đã làm cho một công ty khác ra sao, copy được gì không? Và hệ quả là có một loạt các câu hỏi khác.

Vậy thực tế là gì? Và nếu người hỏi bạn thực sự có bề dày kinh nghiệm thì họ sẽ kỳ vọng điều gì?

  • Đối với design project, người hỏi muốn xem bạn làm đẹp thế nào? và họ đủ hiểu là ko thể copy y chang dự án đó.
  • Đối với người có bề dày kinh nghiệm vận hành, họ hiểu đằng sau một dự án thành công còn bao gồm nhiều yếu tố thuộc về điều phối, vận hành, quản lý, quy trình,v.v..
  • Đối với người chưa có kinh nghiệm gì… okay, họ muốn copy, họ muốn xem các công ty khác đặt KPI như thế nào, họ muốn biết các công ty khác giải quyết vấn đề khó khăn chung ra sao?

Như vậy thì bạn vẫn cần biết người đang hỏi bạn là ai? background của họ ra sao?

Thế thì trả lời như thế nào?

Thực ra có 03 cách, theo kinh nghiệm của mình

  1. Nếu bạn chuẩn bị trước vài case studies, và các câu hỏi liên quan thì bạn có thể thật thà show ra. Tuy nhiên, đừng kỳ vọng khách hàng sẽ thích case studies của bạn. Vì nhiều lý do, bao gồm cả ‘ego’ của họ nữa, họ sẽ xoáy sâu vào điểm chung của vấn đề rồi từ đó phản biện, ánh xạ sang vấn đề của họ. Người có kinh nghiệm thực sự sẽ hiểu rằng không phải cứ đi copy sang là sẽ thành công (vì nếu thế, các ông chuyên đi làm digital marketing đã có thể kinh doanh đủ thứ trên đời rồi) và sẽ trao đổi sâu hơn. Nhược điểm là bạn sẽ tốn thêm nhiều thời gian cho cuộc họp đó mà chưa chắc chốt được gì với khách hàng. Nhiệm vụ của bạn chỉ bao gồm: chứng minh năng lực và chứng minh kinh nghiệm thực tiễn của bạn là có thật. Bên cạnh đó, nhiệm vụ thứ hai của bạn là qua trao đổi ngắn gọn, tìm ra vấn đề thực sự của khách hàng (cũng như phán đoán được hai bên có ‘match’ với nhau hay không)
  2. Nếu bạn là người nhiều kinh nghiệm, hãy đặt câu hỏi cho họ trước khi trả lời. Hãy tìm hiểu tại sao họ quan tâm tới case study? Họ đã tìm hiểu ở đâu chưa? Cùng trong ngành, họ chắc chắn phải dự nhiều hội thảo chuyên đề rồi, vậy quan điểm, góc nhìn của họ về vấn đề chung của ngành này như thế nào? Hãy thẳng thắn nói về NDA, và việc bạn không tiện/không thể tiết lộ chi tiết.
  3. Nếu khách hàng thuộc nhóm đối tượng đã làm việc và biết bạn đủ lâu, hãy vào thẳng vấn đề với họ (mình sẽ chia sẻ phía dưới)

Tùy vào khách hàng và khả năng của họ, mình thường chọn một cách hoặc cả ba cách nêu trên, và độ nông – sâu trong việc chia sẻ sẽ tùy vào khả năng ‘storytelling’ của mỗi người.

Vậy thực tế khi làm thiết kế trải nghiệm là gì? 

Đối với CX program, mình đã trả lời một khách hàng đã đồng hành gần 12 tháng như sau:

Sẽ không có case study nào để mình bắt chước theo bởi vì các doanh nghiệp nước ngoài khác với VN, và làm trải nghiệm phụ thuộc vào 02 yếu tố chính đó là:

  1. Tư duy: Ở đây có thể là ‘design thinking’, nghĩa là suy nghĩ như một designer bằng cách khảo sát + tìm vấn đề của mình, của tổ chức, rồi thảo luận đưa ra giải pháp giả định -> triển khai thử, validate giải định đó -> rồi điều chỉnh tiếp.
  2. Tổ chức và con người: Yếu tố này ở mỗi công ty sẽ luôn khác nhau. Khác biệt ở chỗ ai thực sự bỏ sức ra làm.

Bên cạnh đó, không có chương trình trải nghiệm nào thành công 100% và mãi mãi, vì những lý do sau:

  • Không phải vấn đề nào cũng có giải pháp, có những vấn đề cần thời gian vì vướng khung pháp lý, quy trình nội bộ, v.v…
  • Sự hài lòng của con người với một dịch vụ, cụ thể hơn là với một thương hiệu mang tính thời điểm, và một con người không cố định về cảm xúc, con người luôn so sánh và kỳ vọng nhiều hơn.
  • Không phải giải pháp nào làm hài lòng cho khách hàng cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. (interest conflict)
  • Nói về framework, có thể tham khảo slide tóm tắt của Adaptis ở đây: http://tiny.cc/26n1pz (trong này cũng có kèm 1 số case study summary)

Như vậy, khi làm chương trình trải nghiệm là mình phải tự làm, và sẽ không copy của các công ty khác nhau được. Hơn nữa, thiết kế – xây dựng trải nghiệm là một quá trình lặp lại với nhiều điều chỉnh khác nhau để tối ưu hóa kết quả đầu ra cũng như cân bằng các biến số về kỳ vọng của cả chủ đầu tư và khách hàng (ở đây là khách hàng của stakeholder).

Hà Nội, 11/2020

Binh

Tại sao ‘sale’ lại là kỹ năng quan trọng với người làm UX?

#teamwork #sale #uxskill

Hôm trước nói chuyện với Kiệt Võ, hắn bảo: “dạo này mọi người gọi anh là anh Bình sale rồi :D”, tự nhiên nghe xong mình thấy chột dạ. Ngẫm lại thì đúng là mình hay nói về sale skill, đi comment nhảm nhí trên mấy group UX cũng hay nói là sale skill quan trọng, blah blah… vậy nên mình nghĩ nên có một bài giải thích tại sao.

Ảnh Sell – nguồn Udemy.com

Vậy bản chất ‘sale skill’ nên nhiểu như thế nào?

Có rất nhiều định nghĩa, nhưng ở góc độ người làm Agile và UX, mình tin rằng đó là kỹ năng thuyết phục người khác làm theo hoặc đồng ý một điểu gì đó với mình. Đơn giản thế thôi. Sale là thuyết phục, sale là ‘bán’ cái ý tưởng của mình, cách tiếp cận mới của mình với mọi người xung quanh.

Nghe trừu tượng quá phải không?

Vậy thì bạn thử xem lại khái niệm sale theo lộ trình như sau nhé:

  • Marketing đưa lead/contact khách hàng về cho team sale
  • Salesman khai thác các đặc điểm của khách hàng về needs, pain points, khả năng tài chính, các áp lực họ phải chịu, v.v…
  • Chọn cách tiếp cận phù hợp với khách hàng
  • Tiếp cận, đưa ra thông điệp
  • Xử lý từ chối (cân nhắc lợi ích, so sánh lợi ích, v.v..)
  • Chốt đơn
  • Chăm sóc sau bán hàng

Bạn thấy quen không?

Có thể bạn cho rằng đây là bán lẻ truyền thống, okay, vậy thử inbound sale nhé

  • Xây dựng case study
  • Viết blog
  • Training miễn phí
  • Thu hút lead/contact/subscribers
  • Đưa ra các chương trình premium, up-sale, các gói pain release, helpful tool hỗ trợ community của mình
  • Onboarding khách hàng, dùng thử freemium
  • Convert khách hàng
  • Chăm sóc và engage

Nghe qua những điều trên, nếu bạn là dân làm growth hack hoặc dân inbound marketing, content strategist thì bạn sẽ thấy vô cùng quen thuộc.

Sale áp dụng như thế nào sang các lĩnh vực khác?

Như đã nói ở trên, sale là thuyết phục, mà để thuyết phục thì bạn phải khiến đối phương tin tưởng bạn hoặc trước hết là tin tưởng vào điều bạn chia sẻ, rồi sau đó tin tưởng bạn và xa hơn làm theo những gì bạn kêu gọi (CTA: Call to Action). Đây là quá trình xây dựng mutual trust (hoặc gain trust) trong inbound content và inbound marketing. Để gain trust, bạn cần cung cấp và cho đi những gì hữu ích (useful) và chân thành.

Với UX, có hẳn một môn gọi là articulation design, trong đó, bạn phải trải qua rất nhiều các cuộc họp và bảo vệ kết quả của mình như UX research report, UI idea, prototype idea, CRO report, Assumptions report, v.v… Vậy trong các cuộc họp bạn làm gì? Câu trả lời là trình bày nội dung bạn đã chuẩn bị và thuyết phục mọi người đồng tình với các gợi ý hành động tiếp theo.

Với HR, bạn đi phỏng vấn ứng viên, sau khi hỏi chán chê xong, đến phần ứng viên đặt câu hỏi thì cũng là lúc bạn phải ‘sale’ công ty của bạn với ứng viên đó. Việc của recruiter hoặc leader là khiến cho họ thấy thích thú với môi trường này trước khi đàm phán những gì liên quan đến lợi ích đôi bên

Với công ty và team mới bắt đầu thực hành Agile, nếu bạn là scrum master, bạn phải vừa coach vừa liên tục chứng minh sự hiệu quả cũng như thuyết phục các thành viên trong team cũng như đội ngũ quản lý về tính khả dụng của Agile và scrum. Đây chính là quá trình sale của bạn, còn trong agile gọi là ‘scrum/agile adoption’.

Bạn thấy sale quan trọng chưa?

Sale skill là để hiểu những người xung quanh mình, cân bằng lợi ích và từ đó thuyết phục họ. Tuy nhiên, sale skill không phải để chèn ép hay thao túng mọi người nhằm đạt mục đích, thay vào đó, nó dùng để tiếp cận đúng cách, để lắng nghe và tìm đúng nhu cầu của những người liên quan.

Học sale skill như thế nào?

Nói thật là, sale skill dễ học và rất nhiều sách vở nói về kỹ năng này. Nhìn chung thì sau 10 năm và đọc đủ thể loại sách về sale, mình thấy 80% các sách sale đều nói cùng kỹ thuật và phương pháp như nhau. 20% còn lại là những khác biệt về mô hình như B2B, B2C, về giao thức như online, offline, v.v…

Việc của bạn là đọc, đọc nhiều rồi so sánh và quan sát các công ty đang triển khai ra sao, thử áp dụng với các dự án của mình và từ đó rút kinh nghiệm theo thời gian.

Với UX, bạn chỉ nên tập trung vào kỹ năng sale cá nhân chứ không cần đọc những cuốn sale machine, sale manager vì những cuốn sách đó dành cho các công ty có đội ngũ sale đông đảo, có phần mềm CRM chuyên nghiệp.v.v… cái bạn cần là:

  • Kỹ năng phân tích đối tượng mục tiêu
  • Kỹ năng thuyết phục, không chỉ bằng lời nói mà bằng nhiều phương tiện, công cụ khác nhau (tốt nhất là inbound content theo quan điểm cá nhân của mình và case studies)

Sau cùng, sale là kỹ năng giúp cho người xung quanh hiểu đúng value của bạn (theo cách mà bạn ‘thiết kế’ và mong muốn), chính vì thế, đừng xem nhẹ nó. Dù bạn là chủ doanh nghiệp, hay là quản lý hay chỉ là 1 UX designer bình thường, hãy luyện tập kỹ năng này mỗi ngày.

HN 09.2020

50.000 VND

#app #mobileapp #digitalbanking #onboarding #citibank

Hôm nay mình nhận EDM của Citibank, khuyến khích + gift để cài mobile app citibank trên điện thoại. Ai cũng biết làm mobile app thì cái đau đầu nhất là growth, onboarding user, đặc biệt là bank. Vậy case của citi bank có gì đáng nói?

Incentives quá nhỏ

Hình chụp từ EDM của citibank

Thông điệp của EDM đến từ citibank là “Đăng ký ngay để nhận mã ưu đãi Lazada 50.000 VNĐ”, và nó có mấy vấn đề

  • Lazada không phải là brand phù hợp để Citibank đi cùng tại thời điểm này so với sale dữ dội 9.9 như Tiki.vn và Shopee.vn, tất nhiên, không loại trừ trường hợp Citibank thu hẹp mảng bán lẻ tại Việt Nam nên cũng có thể không còn đủ ‘tầm’ để hợp tác với các brand TMĐT lớn.
  • 50.000 VNĐ không phải là thứ đáng để thử.

Chưa test app đầy đủ 

Mặc dù không hứng thú với thông điệp, nhưng mình cũng thử cài, và kết quả là app không load được trên iPhone 6s. Điều này làm nổi bật 02 điểm khác:

  • App chưa được test với dòng iPhone 6s và iOS cũ, chắc lúc làm và go-live, họ chỉ test với iPhone X trở lên hoặc chỉ support trong vòng 3-4 dòng điện thoại mới nhất.
  • Không có thông báo rằng app của Citibank tương thích với dòng điện toại và hệ điều hành nào trên các kênh truyền thông của citibank

Tóm lại là, không dùng được.

Citibank có còn mặn mà với khách hàng cá nhân ở Hà Nội?

Theo phỏng đoán của cá nhân mình thì câu trả lời là: không.

Bằng chứng là họ bỏ đi rất nhiều dịch vụ tốt mà trước đây vẫn có.

Tháng 10/2019, khi làm visa đi EU, mình qua Citibank Hà Nội tại Cát Linh và đề nghị in sao kê thẻ tín dụng nhưng bị từ chối (2 năm trước đều được xử lý nhanh gọn). Lý do là văn phòng tại Hà Nội bây giờ không giải quyết việc này, và mời anh/chị về email, gọi hotline cho Citibank HCM.

OK, fine.

Và rồi nhân viên sale vẫn chăm chỉ gọi điện

Hầu như tháng nào cũng vậy, nhân viên sale Citibank vẫn gọi và đề nghị mình vay một khoản, giải ngân từ chính hạn mức thẻ tín dụng của mình vì lịch sử tín dụng tốt, và tất nhiên lần nào mình cũng tua lại 02 câu:

  • Câu 1: Thẻ tín dụng để anh đi nước ngoài hoặc ra đường anh quẹt, vay tạm ứng lãi vừa cao và anh không dùng được thẻ nữa thì phải làm sao?
  • Câu 2: Sao tháng nào cũng có 01 bạn gọi cho anh nói lại vấn đề này? Lần nào anh cũng hỏi vay 1 tỷ và không ai cho anh vay, em giải quyết được thì gọi lại nhé.

Sau cùng thì cũng không có nhân viên nào cho mình vay 1 tỷ.

Mình thì không biết bao giờ Citibank rút lùi hoàn toàn mảng bán lẻ tại Việt Nam như ANZ đã làm năm 2017.

UX Thailand Feb 2019

May mắn biết đến event này khi đang tham dự UXSEA ở Singapore hồi tháng 11 năm ngoái, và nhìn thoáng qua thấy ban tổ chức có liên hệ với IDF để hợp tác, thế là mình liên hệ và nhận được vé mời ;). Ban đầu, bản thân mình nghĩ rằng chắc sự kiện cũng chỉ như UX event ở Singapore, nhưng trên thực tế thì qui mô của UXThailand2019 lớn hơn nhiều.

Với hơn 700+ người tham dự và các diễn giả được mời từ Mỹ như Jared Spool, hay Melissa Perri (tác giả cuốn “Escape the build trap”), phối hợp với những người làm trong ngành và nhiều kinh nghiệm tại Thoughtworks, cũng như các công ty digital ở Thailand, UXThailand2019 đã thực sự gây ấn tượng.

Mở đầu chương trình
Thẻ đăng ký của mình
Sảnh hội nghị.

Từ khâu tổ chức rất chuyên nghiệp, bài bản và qui mô, cho tới những “phụ kiện”, quà tặng và bố trí không gian ăn uống, giao lưu dành cho người tham dự cho thấy ban tổ chức rất quan tâm đến “trải nghiệm” của khách đến event. Không gian của địa điểm hội thảo là một nhà hát hiện đại trên tầng thượng của Siam Square với các thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu không chê vào đâu được.

Gặp lại team UX Malaysia, Indonesia và cả Philippines.
Giới thiệu về VR/AR trong user reseach tại sân bay New Zealand

Khi buổi hội thảo bắt đầu, ngay từ chủ đề đầu tiên của Melissa Perri đã làm tôi và các đồng nghiệp ấn tượng. Escape the build trap là tên của cuốn sách mà chính Melissa Perri là tác giả. Chủ đề được xoay quanh việc tập trung vào tầm nhìn của sản phẩm, xây dựng sản phẩm phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng (client expectation) và làm sao đảm bảo được rằng, sản phẩm làm ra sẽ giúp khách hàng chinh phục được người dùng, đạt được mục tiêu cần thiết của dự án. Để làm được điều này, nhóm làm sản phẩm cần “bớt” thần tượng hoá Agile / scrum một cách máy móc mà cần tập trung vào những valuable deliveries, nghĩa là các bản “build” thực sự tạo ra giá trị như tăng tỷ lệ CRO, giảm tỷ lệ rời bỏ sản phẩm (app abandonment), v.v… Đằng sau việc này là quá trình thay đổi tư duy làm sản phẩm, cả team cần phối hợp với khách hàng để tạo ra sản phẩm có giá trị thực với người dùng thay vì làm ra một sản phẩm “theo đúng yêu cầu” của chủ đầu tư. Tất nhiên bạn có thể phản biện rằng việc này khó, không chỉ khó ở Việt Nam mà khó đối với bất cứ team làm sản phẩm nào trên Thế Giới (vì 99% các chủ đầu tư thường rất “tự tin” vào nhận định của mình). Mặc dù vậy, cái cần nắm bắt ở đây là tư duy, tư duy đúng thì sản phẩm làm ra sẽ giải quyết đúng vấn đề của end-user, và nó sẽ mang đúng nghĩa “user-centered” design. Đối với cá nhân mình, đây là bài trình bày làm hài lỏng phần lớn mọi người trong khán phòng và nó là một trong 02 bài nói tốt nhất của hội thảo.

Melissa Perri trong bài trình bày của mình.
Product kata – Melissa Perri

Tiếp theo là một số chủ đề “buồn ngủ” khác mà mình không muốn đề cập tới. Một phần là nó hơi “xa vời” so với những gì đang diễn ra tại Đông Nam Á, một phần là người trình bày không “truyền năng lượng” được cho khán giá. Chính vì thế mà thời gian giữa ngày của buổi hội thảo mình không tập trung cho lắm 😛

Bài nói ấn tượng thứ 2 cũng là bài trình bày cuối cùng của hội thảo thuộc về Jared Spool. Ai ở trong ngành HCI và UI lâu rồi thì đều biết bác này với trang web http://www.uie.com và các khoá học liên quan. Đây cũng là tác giả viết về UI design từ những năm 80′, 90′ khi máy tính chỉ có giao diện command line hoặc cùng lắm là GUI (Windows).

Đến với UXThailand2019 Jared Spool có bài phát biểu về chủ đề mơ hồ, và nhạy cảm, cũng rất khó đó là “future of UX design”. Nó khó bởi tương lai ai cũng “chém” qua qua được nhưng để định hình cho những người đi sau mình một cách nghiêm túc thì thực sự rất..rất khó. Nhưng Jared Spool đã làm rất tốt công việc của mình bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, dẫn dắt người nghe đi vào kịch bản của ông, để rồi mô hình hoá một loạt những ý tưởng mới. Một trong những ý tưởng quan trọng nhất đó là “broken comb” nhằm thể hiện ý tưởng phát triển kỹ năng của người làm trong ngày UX / digital design. Trước đây, khi đọc và học về Agile shortcuts hồi năm 2013, mình có biết đến T-shape model với cột dọc của chữ T là kiến thức nền tảng, và thanh ngang của chữ T là kiến thức mở rộng. (mọi người có thể google T-shape skill model để hiểu thêm nhé), nhưng với việc khuyến khích và đòi hỏi việc học liên tục của ngành, Jared Spool đã đưa ra đề xuất….học đều các kỹ năng, và theo thời gian, các kỹ năng này sẽ được tích luỹ, ghi nhớ rồi bổ trợ cho nhau (xem hình phía dưới).

Với những người mới vào ngành hoặc mới chuyển qua học về UX / product / UI design, các bạn có thể thấy hơi mông lung và mô hình này hơi quá sức. Nhưng thực tế là nếu đã làm digital product design một thời gian, kinh qua nhiều vị trí cũng như nhiều dự án thì các bạn sẽ thấy việc phải đọc và học thêm các kiến thức như business model, business operation, leadership, team building, psychology, marketing, customer serivce, business analysis, hay thậm chí IT (IA, mobile / web architect…) là điều không tránh khỏi (nếu không muốn nói là bắt buộc) để có thể hiểu sản phẩm, hiểu về hành vi tổ chức (tổ chức của mình và của khách hàng) để từ đó làm ra sản phẩm “thoả mãn yêu cầu”.

Jared Spool cũng có nói rằng: “ban đầu, bạn cứ bám sát kỹ năng nền tảng của mình, nhưng liên tục học hỏi và mở rộng kiến thức sang các mảng khác, lâu dần, kiến thức đó sẽ là của bạn”. Với cá nhân mình, mình thấy đúng.

Sân khấu, với logo của IDF ở dưới cùng, cạnh Axure 😀
Sự tiến hoá của ngành UX / UI design
Mô hình broken comb skill learning

Hội thảo kết thúc cũng là lúc để “team building” với các bạn trong khu vực và điều bất ngờ nhất là có nhiều bạn đến từ…Myanmar, một đất nước mà bản thân mình nghĩ vẫn chưa “năng động” bằng Việt Nam. Vậy mà, số người đến từ Việt Nam chỉ đếm được ít hơn số ngón tay trên một bàn tay 😦

Với nhiều người, tham gia hội thảo là sự kiện “tốn tiền” và thực sự không muốn “đầu tư” để..đi. Nhưng nếu không “chịu khó” đi và bước ra xem Thế Giới ngoài kia, người ta đang làm cái gì? Với tôi đây là điều quan trọng khi ở Việt Nam, phần lớn các bạn chỉ làm Web, mobile App và thậm chí các web và app các bạn làm cũng “bó hẹp” trong những mảng ít nghiệp vụ hoặc trong những ngành đã bão hoà như đặt xe, gọi đồ ăn, e-commerce.v.v..

Bản ghi chép của team UX Malaysia

Khép lại 2 ngày hội thảo và workshop, ban tổ chức UXThailand2019 thực sự đã làm rất tốt công việc của mình. Các diễn giả cũng như bài trình bày của họ chất lượng hơn rất nhiều những UX event khác trong khu vực. Hy vọng rằng, sang năm 2020, sẽ có nhiều bạn ở Việt Nam tham gia sự kiện này hơn, và xa hơn là UX Vietnam có thể có những event như thế này.

Bangkok, tháng 02/2019

UXSEA 2018

Singapore bay

Thực ra thì event này diễn ra đã lâu rồi, từ cuối tháng 11 nhưng hôm nay mới có thời gian ngồi tổng hợp lại, để sang năm nếu có đi sẽ cân nhắc và tham dự những session mang lại nhiều giá trị thông tin hơn. OK, let’s start.

Conference room

Biết đến UXSEA qua một đồng người ở Malaysia khi bạn ấy share lên LinkedIn. Vì tò mò, nên mình đăng ký bởi cũng không mấy khi ra nước ngoài dự event kiểu này. Khi vào trang web thì thấy toàn bộ vé đã…sold out 😮 thật khó tin, nhưng có lẽ UX đang là hot trend ở Singapore. Nước cờ cuối cùng là lấy tư cách IDF của mình email trực tiếp cho ban tổ chức và may mắn thay, các bạn ấy mở cho mình thêm 1 slot với giá vé không đổi 😀

Cách tổ chức

Giống như các event ở nước ngoài, UXSEA (Viết tắt của User Experience South East Asia summit) có 03 ngày sự kiện. Ngày đầu tiên là workshop (mình không tham dự), và 2 ngày còn lại là conference. Cách tổ chức của UXSEA cũng có một số điểm khá chuyên nghiệp và đáng lưu ý như sau:

  • Check-in chuyên nghiệp, có quà tặng nho nhỏ và thiết kế tag đeo cổ khá đẹp
  • Đồ ăn, đồ uống đầy đủ, phụ vụ gọn gàng, sạch sẽ.
  • Các diễn giả nói ngắn gọn và không cho đặt câu hỏi tràn lan, các câu hỏi đều phải qua hệ thống đặt câu hỏi online và người dẫn chương trình sẽ lựa chọn sao cho phù hợp với chủ đề chính và khung thời gian cho phép.

Địa điểm của UXSEA event khá xa trung tâm, ở Mapple Tree city và nếu đi từ trung tâm thành phố, ngồi xe bus như mình sẽ mất khoảng 45 phút để đến nơi. Mặc dù vậy thì khu này là trung tâm của các cty công nghệ, accelerator, start-up..v.v.. và do UXSEA được Unilever tài trợ địa điểm nên làm được như vậy là khá tốt rồi. Vậy còn nội dung và diễn giả thì sao?

Rất đông người tham dự

Nội dung, diễn giả

Nhìn chung, diễn giả đều là những người có kinh nghiệm, đang quản lý những đội nhóm làm UX ở các tổ chức lớn như Singtel, Visa, PropertyGuru, Bukalapak, GoJek, v.v.. và có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực product design, team management. Tuy nhiên, phần lớn những diễn giả này không đi ra từ môi trường start-up của chính họ mà làm cho các unicon start-up, hoặc các công ty, tập đoàn lớn. Nghĩa là những tổ chức có tiền và kinh phí để làm UX. Chính vì vậy, nếu bạn là start-up builder, bạn tham gia sự kiện như này thì cần có một đầu óc cởi mở, bởi những gì họ chia sẽ không nghĩa là nó sẽ đúng và có thể áp dụng trong trường hợp của bạn.

Nội dung thì sao?

Ở góc độ cá nhân, tôi đánh giá nội dung của UXSEA phù hợp với người mới bắt đầu tham gia vào UX hoặc có 1-2 năm kinh nghiệm. Các chủ đề được đem ra chia sẻ hầu như không có gì mới trong 2 năm trở lại đây, nhưng có thể là mới được trao đổi ở Singapore, cụ thể như sau:

  • UX team management
  • DesignOps (chia sẻ từ quyển sách cùng tên)
  • Research culture
  • Chatbot script
  • Design ethic
  • Design leadership
  • v.v…

Nếu bạn đã hoạt động trong ngành digital design bao gồm UX, CX, behavioural marketing…thì những chủ đề này không mới với bạn, thậm chí bạn đọc và làm về nó hàng ngày. Trong giờ nghỉ ăn trưa, tôi có ngồi cùng với mấy bạn CEO của UX studio Malaysia thì chúng tôi đều thừa nhận rằng, nội dung của event cần chia sẻ kinh nghiệm trận mạc cũng như “practical case study” nhiều hơn. Các bạn ấy cũng nói rằng: đi event như thế này chủ yếu là dẫn nhân viên đi giao lưu học hỏi. Đây là một ý hay, khác hẳn với các công ty ở Việt Nam, toàn sếp đi giao lưu là chính :D.

Những điều thu lượm được

Kết thúc 02 ngày sự kiện UXSEA, điều tôi thu lượm được không nhiều nhưng cũng có một số điểm tích cực với cá nhân tôi và phần nào đó là sự hiện diện của IDF. Tôi xin thống kê một vài ý chính dưới đây:

  • Accept the differents – đây là cái tôi thích nhất bởi nó là nền tảng của Empathy. Điều này được bạn design lead của bukalapak chia sẻ và nó rất thực tế. Chúng ta cần chấp nhận sự khác biệt, trong mỗi tổ chức, trong mỗi người để từ đó cải thiện khả năng thấu hiểu, và rồi tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.
  • IDF dần được giới thiệu với những người trong hội thảo. Bước đầu tôi đặt mối quan hệ với Kuldeep, người quản lý UXSEA và UXArmy. Chúng tôi nói về kế hoạch hợp tác lâu dài trong năm tới.
  • Tôi hiểu hơn về tình hình UX tại Singapore và các nước lân cận như Malaysia, Philippines, Indonesia, phần nào định hình được làn sóng đang nổi dần lên về ngành này.
  • DesignOps với large scale – cái này mới thấy ở Đông Nam Á, chủ yếu vẫn là team bukalapak (Start-up unicon về eCommerce của Indonesia) với team designer lên tới 100+ người.

Tất nhiên, nếu bạn mới bước chân vào làm UX, tôi vẫn khuyên bạn nên tự mình đi tham gia những sự kiện như thế này để có hình dung rõ hơn về ngành cũng như cách thức các công ty trong khu vực, những người chuyên nghiệp trong khu vực đang làm việc ra sao, vận hành đội nhóm như thế nào. Nếu có thể, bạn nên tham gia workshop để được thực hành về các khái niệm card sorting, brain storming, agile scoping, v.v..

With IDF Malaysia

Sau cùng, UXSEA là một sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp, đông đảo người quan tâm và tham dự, dù chưa có nhiều tài trợ nhưng những người đứng ra tổ chức đã làm rất tốt, rất “có nghề” cũng như có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt chương trình, chia sẻ kiến thức và kết nối cộng đồng.

Singapore, tháng 11/2018