2018 Reading notes

2018 là một năm…lười đọc kinh khủng 😦 Một phần là do mình hoàn toàn tập trung vào việc phát triển kinh doanh cũng như đầu tư thời gian làm nội dung cho các lĩnh vực khác nên so với các năm trước, “sức” đọc của bản thân chỉ bằng một nửa. Rất nhiều quyển sách được đọc trên máy bay và trong phòng chờ sân bay, tranh thủ lúc chuyến bay bị trễ. Mặc dù vậy, năm 2018 là năm tôi tập trung đọc sâu hơn về chủ đề “human engagement” nhiều hơn với mong muốn hiểu về con người hơn, và từ đó hỗ trợ sale, product design tốt hơn. Dưới đây là danh sách và những ghi chú để bạn tiện tham khảo, hy vọng nó sẽ giúp bạn phần nào 😉

1/ The Future UI/UX: From The Ground Up

Thang điểm: 5/10

Đánh giá: không nhiều ý tưởng mới, đa phần là những pursuasive techniques mà mình đã biết, phạm vi mà tác giả muốn nhắm tới thì rộng nhưng nội dung lại không đủ sâu để nêu hết các vấn đề đặt ra.

2/ Making It Right: Product Management for a Startup World

Thang điểm: 8/10

Nhận xét: Sách tập trung vào qui trình và hướng dẫn cho việc phát triển sản phẩm. Từ khâu thẩm định ý tưởng, cho đến khảo sát thị trường, đối thủ, khách hàng và tính khả thi của sản phẩm. Sách viết chi tiết và phù hợp với các bạn product manager, theo mình là “must read”.

3/ Practical Empathy: For Collaboration and Creativity in Your Work

Thang điểm: 8/10

Nhận xét: Đây là cuốn sách khá hiếm hoi viết về chủ đề thấu hiểu và đồng cảm: “empathy”. Yếu tố này tưởng như chỉ được đề cập đến trong tâm lý học hiện đại hoặc nghệ thuật lãnh đạo, tuy nhiên ngày nay “empathy” đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiểu khách hàng, hiểu người dùng, hiểu nhân viên, hiểu đồng nghiệp..v.v.. Các dự án UX ngày nay, trước khi bắt tay vào làm việc cụ thể thì có thêm khâu “organization empathy” nhằm giúp đội dự án hiểu về tổ chức cũng như cân bằng được nhu cầu của chủ đầu tư, của người dùng cuối và các thành phần liên quan. Đây là yếu tố quan trọng giúp dự án đi đến thành công.

4/ The Best Interface Is No Interface: The Simple Path to Brilliant Technology

Thang điểm: 7/10

Sách về thiết kế giao diện (UI interface) và những góc nhìn về usability, physical step vs digital step, v.v.. Với foreword bởi Don Norman, nó rất đáng để các bạn làm UI tham khảo, nhìn vào thực tế sử dụng và xu hướng simplify, rồi qua đó nhìn lại cách thức giao tiếp của mình với người dùng thông qua UI. Bởi vì, UI is communication.

5/ Buyer Personas

Thang điểm: 7.5/10

Thông thường, khi mới học và làm về UX design hoặc UCD (User centered design) thì chúng ta hay nói về personas. Nôm na theo nhiều người hiểu “tạm” rằng, personas là xây dựng mô hình hoá hồ sơ của người dùng trong hệ thống. Thực tế thì không phải vậy, và rất nhiều bạn mắc sai lầm khi học về personas. Các bạn thường bỏ quên một yếu tố quan trọng, đó là “context” (tạm dịch là ngữ cảnh). Trong từng context khác nhau, personas sẽ khác nhau. Trong eCommerce hoặc marketing, sẽ là buyer personas, trong game, sẽ là player personas, vv… và bạn phải đi sâu vào từng context đó để có những cách khai thác thông tin (insights) phù hợp.

6/ Unlocking Secrets: How to get people to tell you everything

Thang điểm: 9/10

Tôi đọc sách này để trả lời câu hỏi: “Làm sao để có được đúng thông tin từ người dùng khi mình phỏng vấn họ?”. Thực ra các kỹ thuật trong sách không có nhiều cái mới. Để hiểu về “secrets” của người khác, về cơ bản, bạn vẫn cần dựa trên các kỹ thuật “empathy” và “sympathy” nhưng sẽ cần điều chỉnh ở các góc độ khác nhau, tần suất, bối cảnh khác nhau tuỳ vào độ tuổi, giới tính, xuất thân của đối tượng. Sách có đưa ra mô hình READ (Research, Engage, Access, Divert) khá đơn giản và dễ áp dụng, ngoài ra, emotional linking, syncher để tiếp cận và khai thác thông tin bài bản. Sách cũng phân loại, định nghĩa các loại “secrect” khác nhau của những độ tuổi, đối tượng khác nhau cũng như cách “push” & “pull” trong quá trình tiếp cận “emotional” của “secret keeper” 🙂 Recommend cho các bạn làm user research, hoặc làm HR, Director 😉

7/ Models – Attract Women Through Honesty – Mark Manson

Thang điểm 7/10

Đây là cuốn sách về “dating” 😀 Tôi đọc nó với một tò mò khi tìm hiểu về “woman / girl thinking, attention…” và nó là một trong những cuốn cần đọc trong quá trình học về human mind, human interest. Sách không dành cho đối tượng gay / les, mà chỉ tập trung vào women. Mặc dù tác giả viết sách này dành cho đàn ông học cách kết nối với phụ nữ (ở dây là Western women nói riêng) nhưng những phân tích tâm lý, các cách thức kết nối và đạt được sự đồng cảm đều là những nghiên cứu thú vị. Suy cho cùng, honesty (tạm dịch là chân thành) nhưng tôn trọng vẫn là những chìa khoá để kết nối con người với nhau. Nếu khách hàng của bạn là nữ giới, hoặc nếu bạn phải thiết kế sản phẩm, dịch vụ dành cho nữ giới, bạn nên đọc quyển này.

8/ Enchanted

Thang điểm 9/10

Cá nhân mình thích cuốn sách này, và đọc với tâm lý khá thích thú. Thực ra mình đọc lần 1 hồi 2014, sau đó bỏ dở và năm nay mới đọc hết một cách say sưa. Sách viết đơn giản, dễ hiểu và mục đích của sách là giúp người đọc hiểu được các bước để gắn kết với một ai đó thông qua con người, sản phẩm, dịch vụ. “Enchanted” dịch ra là mê hoặc, cuốn hút và nó được tác giả lấy làm tựa đề cho cuốn sách, khuyến khích các công ty, những người làm start-up nên đọc để xây dựng muốn quan hệ, gắn bó lâu dài với khách hàng của mình. Trong thế giới ngày nay, khi “inspiration” ngày càng trở nên quan trọng hơn “manipulation”, khi CX (Customer experience) và BX (Brand experience) dần bao trùm, phủ lên UX thì đây là cuốn sách bạn nên đọc, ít nhất 02 lần 🙂

9/ Damn Good Advice (For People with Talent!)

Thang điểm 9/10

Mình đọc cuốn sách này 2 lần trong năm 2018. Lần 01 là vào tháng 05, khi mới mua nó ở Bangkok, và lần 02 là tháng 12, trong những ngày cuối tuần. Đúng như một người bạn từng nói, sách dạng này thì lâu lâu mở ra đọc lại, để ngẫm nghĩ, và lên dây cót tinh thần. Sách này thì rất nổi tiếng, ai làm digital Ads, marketing đều biết, đặc biệt tác giả là George Lois, một trong những người nổi tiếng trong ngành creative advertising. Nội dung sách tập trung vào sự sáng tạo, cách tuy đổi mới, cách thức làm việc với khách hàng và không thoả hiệp với chất lượng thấp. Vì mình làm agency nên có rất nhiều điểm mình đã trải nghiệm trong hơn 10 năm qua, có lẽ phần nào nó khiến mình đánh giá cao cuốn sách này hơn.

10/ Smashing – Form Design Patterns by Adam Silver

Thang điểm: 3/10

Đây là cuốn sách “tệ” nhất mà Smashing từng xuất bản. Sách được ra mắt vào quí 3, năm 2018 với chủ đề quen thuộc “Form design pattern”. Nói về form design thì đúng là không mới, nhưng thiết kế form (biểu mẫu), ví dụ như form đặt vé máy bay, form đăng ký học sinh sinh viên, form điền thông tin bệnh nhân mới ở bệnh viện,.v.v.. luôn là vấn đề khó khăn đối với người thiết kế lẫn người sử dụng hệ thống. Đặc biệt là với các phần mềm nghiệp vụ (enterprise software) khi một biểu mẫu có quá nhiều thông tin cần điền (complex form fields) thì những thiết kế mẫu là cần thiết. Trái với kỳ vọng của tôi, sách được viết rất…sơ sài. Bên cạnh những bình luận về form, sách còn thêm vào các đoạn mã HTML / CSS không cần thiết (bởi nó cũng sơ sài không kém) và lại thiếu đi những pattern (thiết kế mẫu) mà người đọc tìm kiếm. Khi bạn đọc một sách về pattern design, điều bạn cần nhất có lẽ là: case study thực tiễn, vấn đề gặp phải và các thiết kế mẫu đi kèm giải pháp. Bạn sẽ không thấy những điều đó ở cuốn sách này.

11/ 100 Midcentury Chairs – And Their Stories

Thang điểm: 5/10

Tôi đọc cuốn sách này hoàn toàn trong lúc ngồi chờ những chuyến bay. Sách viết thì hơi chán vì mô tuýp lặp đi lặp lại, đi qua từng năm tháng, giới thiệu từng mẫu ghế ngồi, và cách thức thiết kế của những chiếc ghế. Mặc dù vậy, đây vẫn là quyển sách thú vị nếu bạn đã một lần phải đi mua ghế. Bạn sẽ hiểu được lịch sử của những chiếc ghế Tolix, Hanging egg, Eiffel chair..v.v.. cũng như cách tiếp cận khác nhau của nhà thiết kế. Có một điểm đáng lưu ý là những chiếc ghế nổi tiếng thường được sáng tạo và làm ra tại Đức, Đan Mạch, Thuỵ Điển… Nơi mà thiết kế nội thất rất phát triển trong những thập niên vừa qua. Bạn có thể xem thêm review chi tiết của tôi tại đây. Nhìn chung, nếu bạn thích tìm hiểu về văn hoá, nạp thêm chút vitamin cho mình và tích luỹ thêm kiến thức, tư duy phong phú từ lĩnh vực thiết kế khác, thì đây là cuốn sách không thể bỏ qua.

We have an intimate connection with chairs. They surround our bodies, they receive our imprint, they leave memories and are often passed down from family member to family member. No wonder chairs can bring out the best and worst in people. – excerpt from 100 Midcentury chairs

12/ Build Better Products A Modern Approach to Building Successful User-Centered Products.

Thang điểm: 8/10

Đây là cuốn có thể song hành cùng quyển sách “Making it right” mà tôi đã nhắc đến ở trên. Mặc dù cùng viết về “product development” nhưng cuốn sách “Build better product” tập trung vào kỹ thuật thiết kế sản phẩm nhiều hơn thay vì tập trung vào định hướng kinh doanh và ra mắt sản phẩm như “Making it right”. Sách gồm 6 phần, đi từ thiết lập mục tiêu, khảo sát, thiết kế sản phẩm, test sản phẩm, đo đạc các thông số khi sản phẩm đi vào vận hành, và cải tiến. Từng chương sách được viết rất chi tiết, đủ để giúp bạn nắm vững các việc cần làm trong nghề product design.

Bonus – Những quyển sách về cà phê, giải trí

13/ The coffee dictionary

Chấm điểm: 5/10 – trung bình

Quyển này đọc khá… chán, và nói thật, nếu tự viết, mình cũng có thể viết xong trong 2-3 tuần. Nội dung sách không có gì nhiều ngoài việc liệt kê các khái niệm của cà phê từ A-Z, rồi bổ sung các định nghĩa cho nó. Đối tượng phù hợp của cuốn sách này là những người làm trong ngành cà phê nhưng mới vào nghề. Nó không phù hợp với người làm cà phê chuyên nghiệp hoặc người không biết về cà phê bởi cách tiếp cận nội dung là không rõ ràng. Tiêu đề là “từ điển” nhưng khá sơ sài, nếu bạn định mua thì có lẽ nên dừng lại.

14/ Craft Coffee – A Manual

Thang điểm: 8/10

Trái ngược với cuốn Coffee Dictionary, cuốn Craft Coffee này hay tuyệt. Bỏ qua phần rườm ra hướng dẫn pha chế thủ công với những dụng cụ cà phê manual brew, một mô tuýp mà sách cà phê nào cũng sử dụng thì phần sơ chế, gieo trồng cũng như phân tích về chất lượng cà phê, độ cao, bảo quản, chiết suất…v.v.. lại rất chi tiết và chuẩn mực. Tác giả viết rất cẩn thận và dễ hiểu, và đảm bảo rằng, khi bạn đọc xong, nhiều kiến thức sẽ “vỡ toang”. Cá nhân mình thích cuốn này kinh khủng :D, vì nó giải đáp được rất nhiều thắc mắc về cà phê mà mình đã tự hỏi, đã trăn trở trong suốt 05 năm qua.

15/ Kyoto Cafe

Kyoto Cafe Book-500x500

Đây là sách du lịch, đơn giản, nhẹ nhàng. Ưu điểm của cuốn sách là có nội dung bằng tiếng Anh 😀 và người chụp thì chụp rất đẹp, sử dụng ton màu “deep color” mà mình ưa thích, nó rất phù hợp với “màu của Nhật Bản” trong con mắt của mình. Chỉ đáng tiếc là mình không được đọc nó trước khi đến Kyoto năm nay, nhưng không sao, đó sẽ là lý do để mình quay lại.

16/ Happiness Is . . . 200 Things I Love About Dad

Chấm điểm: 7/10

Đây là dạng sách doodle, short script nhưng lại rất dễ hiểu, truyền cảm hứng. Mình đọc cuốn sách này vào đầu năm 2018, trong thời điểm mà mình stress nhất với các mối quan hệ trong công việc. Nó như một liều thuốc an thần, giúp mình tĩnh tâm lại và cảm thấy yêu đời hơn. Trong cuộc sống, đôi khi đơn giản chỉ là thu mình lại, nhìn qua lăng kính khác, trân trọng những hạnh phúc giản đơn, để rồi thấy mình vẫn còn có nhiều điều trân quý.

17/ 101 Quick and Easy Secrets to Create Winning Photographs

Điểm: 6/10

Sách đơn giản, tổng hợp lại các tips về phơi sáng, và quan trọng nhất là bố cục cơ bản. Mình đọc quyển này vì dạo này bị chê là chụp xấu, lấy góc ẩu :))) thôi thì ôn lại kiến thức cho ảnh nó bớt xiêu vẹo. Năm 2019 sẽ đọc nhiều hơn và nghiêm túc hơn về bố cục (composition), xa gần, vanishing points, converging verticals…Nói chung, cái gì muốn tử tế thì đều phải có sự đầu tư nghiêm túc, đặc biệt là ảnh 🙂 Tác giả viết rất đơn giản, dễ hiểu và không lạm dụng những ngôn từ kỹ thuật của ngành.

Converging verticals don’t bother us when we are walking along a street, due to the close cooperation between our sense of balance and our visual perception. However, things look different when we view converging verticals in two-dimensional images, as our brain immediately signals that something is wrong. – Mượn lời từ Architect photography book

2018 khép lại với bấy nhiêu cuốn sách, hy vọng rằng qua phần tổng hợp này, bạn sẽ tìm thấy đâu đó một vài lựa chọn phù hợp cho bản thân mình. Vẫn còn nhiều cuốn sách khó mà mình đang đọc dở, chưa biết khi nào sẽ hoàn thành :D, ví dụ như “Why it’s art?”, “The science of coffee”, “5 Human types”, “HBR’s On Managing People”..v..v.. nhưng tin rằng, 2019 sẽ là năm mình đọc nhiều hơn nữa, trở lại với những trang sách nhiều hơn, là chính mình, là sống với một trong những đam mê lớn nhất của mình như 5-7 năm về trước.

Hà Nội, 31/12/2018

UXSEA 2018

Singapore bay

Thực ra thì event này diễn ra đã lâu rồi, từ cuối tháng 11 nhưng hôm nay mới có thời gian ngồi tổng hợp lại, để sang năm nếu có đi sẽ cân nhắc và tham dự những session mang lại nhiều giá trị thông tin hơn. OK, let’s start.

Conference room

Biết đến UXSEA qua một đồng người ở Malaysia khi bạn ấy share lên LinkedIn. Vì tò mò, nên mình đăng ký bởi cũng không mấy khi ra nước ngoài dự event kiểu này. Khi vào trang web thì thấy toàn bộ vé đã…sold out 😮 thật khó tin, nhưng có lẽ UX đang là hot trend ở Singapore. Nước cờ cuối cùng là lấy tư cách IDF của mình email trực tiếp cho ban tổ chức và may mắn thay, các bạn ấy mở cho mình thêm 1 slot với giá vé không đổi 😀

Cách tổ chức

Giống như các event ở nước ngoài, UXSEA (Viết tắt của User Experience South East Asia summit) có 03 ngày sự kiện. Ngày đầu tiên là workshop (mình không tham dự), và 2 ngày còn lại là conference. Cách tổ chức của UXSEA cũng có một số điểm khá chuyên nghiệp và đáng lưu ý như sau:

  • Check-in chuyên nghiệp, có quà tặng nho nhỏ và thiết kế tag đeo cổ khá đẹp
  • Đồ ăn, đồ uống đầy đủ, phụ vụ gọn gàng, sạch sẽ.
  • Các diễn giả nói ngắn gọn và không cho đặt câu hỏi tràn lan, các câu hỏi đều phải qua hệ thống đặt câu hỏi online và người dẫn chương trình sẽ lựa chọn sao cho phù hợp với chủ đề chính và khung thời gian cho phép.

Địa điểm của UXSEA event khá xa trung tâm, ở Mapple Tree city và nếu đi từ trung tâm thành phố, ngồi xe bus như mình sẽ mất khoảng 45 phút để đến nơi. Mặc dù vậy thì khu này là trung tâm của các cty công nghệ, accelerator, start-up..v.v.. và do UXSEA được Unilever tài trợ địa điểm nên làm được như vậy là khá tốt rồi. Vậy còn nội dung và diễn giả thì sao?

Rất đông người tham dự

Nội dung, diễn giả

Nhìn chung, diễn giả đều là những người có kinh nghiệm, đang quản lý những đội nhóm làm UX ở các tổ chức lớn như Singtel, Visa, PropertyGuru, Bukalapak, GoJek, v.v.. và có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực product design, team management. Tuy nhiên, phần lớn những diễn giả này không đi ra từ môi trường start-up của chính họ mà làm cho các unicon start-up, hoặc các công ty, tập đoàn lớn. Nghĩa là những tổ chức có tiền và kinh phí để làm UX. Chính vì vậy, nếu bạn là start-up builder, bạn tham gia sự kiện như này thì cần có một đầu óc cởi mở, bởi những gì họ chia sẽ không nghĩa là nó sẽ đúng và có thể áp dụng trong trường hợp của bạn.

Nội dung thì sao?

Ở góc độ cá nhân, tôi đánh giá nội dung của UXSEA phù hợp với người mới bắt đầu tham gia vào UX hoặc có 1-2 năm kinh nghiệm. Các chủ đề được đem ra chia sẻ hầu như không có gì mới trong 2 năm trở lại đây, nhưng có thể là mới được trao đổi ở Singapore, cụ thể như sau:

  • UX team management
  • DesignOps (chia sẻ từ quyển sách cùng tên)
  • Research culture
  • Chatbot script
  • Design ethic
  • Design leadership
  • v.v…

Nếu bạn đã hoạt động trong ngành digital design bao gồm UX, CX, behavioural marketing…thì những chủ đề này không mới với bạn, thậm chí bạn đọc và làm về nó hàng ngày. Trong giờ nghỉ ăn trưa, tôi có ngồi cùng với mấy bạn CEO của UX studio Malaysia thì chúng tôi đều thừa nhận rằng, nội dung của event cần chia sẻ kinh nghiệm trận mạc cũng như “practical case study” nhiều hơn. Các bạn ấy cũng nói rằng: đi event như thế này chủ yếu là dẫn nhân viên đi giao lưu học hỏi. Đây là một ý hay, khác hẳn với các công ty ở Việt Nam, toàn sếp đi giao lưu là chính :D.

Những điều thu lượm được

Kết thúc 02 ngày sự kiện UXSEA, điều tôi thu lượm được không nhiều nhưng cũng có một số điểm tích cực với cá nhân tôi và phần nào đó là sự hiện diện của IDF. Tôi xin thống kê một vài ý chính dưới đây:

  • Accept the differents – đây là cái tôi thích nhất bởi nó là nền tảng của Empathy. Điều này được bạn design lead của bukalapak chia sẻ và nó rất thực tế. Chúng ta cần chấp nhận sự khác biệt, trong mỗi tổ chức, trong mỗi người để từ đó cải thiện khả năng thấu hiểu, và rồi tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.
  • IDF dần được giới thiệu với những người trong hội thảo. Bước đầu tôi đặt mối quan hệ với Kuldeep, người quản lý UXSEA và UXArmy. Chúng tôi nói về kế hoạch hợp tác lâu dài trong năm tới.
  • Tôi hiểu hơn về tình hình UX tại Singapore và các nước lân cận như Malaysia, Philippines, Indonesia, phần nào định hình được làn sóng đang nổi dần lên về ngành này.
  • DesignOps với large scale – cái này mới thấy ở Đông Nam Á, chủ yếu vẫn là team bukalapak (Start-up unicon về eCommerce của Indonesia) với team designer lên tới 100+ người.

Tất nhiên, nếu bạn mới bước chân vào làm UX, tôi vẫn khuyên bạn nên tự mình đi tham gia những sự kiện như thế này để có hình dung rõ hơn về ngành cũng như cách thức các công ty trong khu vực, những người chuyên nghiệp trong khu vực đang làm việc ra sao, vận hành đội nhóm như thế nào. Nếu có thể, bạn nên tham gia workshop để được thực hành về các khái niệm card sorting, brain storming, agile scoping, v.v..

With IDF Malaysia

Sau cùng, UXSEA là một sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp, đông đảo người quan tâm và tham dự, dù chưa có nhiều tài trợ nhưng những người đứng ra tổ chức đã làm rất tốt, rất “có nghề” cũng như có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt chương trình, chia sẻ kiến thức và kết nối cộng đồng.

Singapore, tháng 11/2018