UX is not always fun

Ai cũng nghĩ làm công việc liên quan đến UX là hay ho lắm, hàng ngày ngồi “chơi” với những công cụ đồ hoạ, những wireframe, những thứ như Sketch, Adobe XD, v.v…chỉ nghĩ tới thôi đã thấy cool rồi. Nhưng thực tế những công việc của UX designer có rất nhiều thứ khiến bạn mau nản lòng, hoặc cảm thấy nhàm chán nếu bạn không thực sự đam mê lĩnh vực này. Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra những điểm để các bạn hình dung rõ hơn những việc phải làm hàng ngày của “dân UX”.

(Nguồn ảnh: UX planet)

Bắt đầu như thế nào?

Các dự án UX có 3 loại chính:

  1. Làm từ đầu, đừng nghĩ đây là hạnh phúc nhé bởi bạn sẽ phải thực hiện khối lượng công việc khá nhiều.
  2. Cải tiến một sản phẩm / dịch vụ nào đó => dự án kiểu này có sẵn dữ liệu đầu vào giúp bạn định hình phần nào nhưng đổi lại áp lực phải chứng mình giải pháp của bạn thông qua những thay đổi (về design) có hiệu quả.
  3. Tư vấn, thường là giai đoạn 1 dự án đã thiết kế gần xong, hoặc được thiết kế xong bởi team designer nội bộ của một công ty, bạn nhảy vào “góp ý”.

Với loại 1, bạn phải biết nhiều thứ hoặc phải phụ thuộc vào nhiều người tham gia, do đó, dự án chậm là đương nhiên. Bên cạnh đó, việc đi thuyết phục, trao đổi với những cá nhân trong dự án cũng khiến bạn mệt mỏi. Tổ chức càng lớn, communication & progress càng chậm (đơn giản là do họ có qui trình kiểm soát chặt, dẫn đến ai cũng sợ trách nhiệm, do đó ra quyết định chậm, thiếu chính kiến).

Với dự án loại 2, như đã nói ở trên, bạn phải đối mặt với áp lực về mặt hiệu quả của giải pháp đưa ra, nhiều khi giải pháp mới thông qua UX research, dẫn tới điều chỉnh UI “có” mang lại hiệu quả nhưng không đáp ứng kỳ vọng của chủ đầu tư, ví dụ CAC (Customer Acquisition Cost) bị đội lên, hoặc lượng giao dịch trong một payment app chỉ “tăng nhẹ” (do không phải đợt Tết chẳng hạn).

Dự án loại 3 bạn cảm thấy khá “an toàn”, nhưng bạn sẽ nói gì nếu UX không tốt? bạn sẽ huỵch toẹt nói với đội ngũ thiết kế đập đi làm lại? Bạn sẽ “phán” về chất lượng UX khi nó chưa có real testing và chưa có test data? Nói chung bạn nên nghĩ đến những điều này để hình dung về dự án UX trong tương lai.

(nguồn ảnh: uxpin)

Không có chỗ mà làm UX?

Cái này tôi đã nói khá nhiều trong các bài viết trước đây, nhưng trong phạm vi bài này tôi chỉ nhấn mạnh rằng ở Việt Nam, bạn sẽ được “dí” ngay vào bước làm prototype và bị cắt đi hầu như toàn bộ các công đoạn của UX. Tóm lại, bạn khó tìm ra chỗ nào trong qui trình các dự án ở Việt Nam để làm UX chi tiết. Vì sao? UX tốn thời gian, cần thời gian để thử nghiệm, cũng đồng nghĩa là tốn tiền, mà các sếp Việt Nam chỉ muốn nhìn thấy UI và không đủ kiên nhẫn chi tiền cho UX.

“UX team of one” không thực sự hiệu quả

Đây là khái niệm được nhắc tới 3-4 năm về trước, từ một cuốn sách cùng tên với nội dung hướng dẫn làm UX kể cả khi bạn chỉ có một mình. Nghe có vẻ ổn, nhưng đây là điều dành cho người có khả năng tiếng Anh + tự học + giao tiếp + kết nối tốt. Nó cũng phù hợp cho dự án nhỏ, còn vào dự án thực tế và với khả năng của người Việt, nó chưa hiệu quả ngay được. Ngoài ra, tính chất khó khăn nhất là việc làm một mình rất dễ khiến cho bạn bị “ego”, nghĩa là đưa cái tôi, đưa quan điểm cá nhân vào giải pháp thiết kế và trở nên phòng vệ trước những phản hồi của khách hàng.

(UX nhiều việc phải làm, cho nên chơi 1 mình mệt lắm. Nguồn ảnh: UX planet)

Agency luôn ép về tiến độ

Với kinh nghiệm làm digital agency 12 năm của mình thì chưa có bao giờ bạn có đủ thời gian rộng rãi, dễ thở khi làm với agency. Đối với các bộ phận marketing của khách hàng cũng vậy, thời gian phê duyệt kinh phí thì rất lâu, nhưng một khi duyệt rồi thì lại muốn có ngay sản phẩm để xem và nếu ai đã từng làm agency thì sẽ hiểu rằng, bạn sẽ bị “giục”, bị “ép” hàng ngày, hàng ngày, và hàng ngày… Cho dù là nửa đêm, cuối tuần hay ngày lễ, bạn luôn phải chuẩn bị tinh thần nghe điện thoại từ đối tác.

Build more, fail more

Đừng nghĩ làm một lần là “ăn ngay”, cũng đừng nghĩ gửi 1-2 options cho khách hàng là đủ. Mọi thứ sẽ thay đổi liên tục, và dự án càng để lâu càng nhiều phát sinh. Kể cả trường hợp dự án của bạn go-live ngon lành, khi có dữ liệu test và user’s analytics data thì bạn phải quay lại điều chỉnh. Người ta nói “làm UX là vừa làm vừa đo, cho nên đừng đánh giá một bản thiết kế mà hãy test nó”.

Do NOT evaluate design, test it. – NN/g

Adoption: có ai quan tâm đến việc bạn làm?

Câu trả lời là chẳng ai cả, hoặc số ít người trong công ty để ý tới, rất ít. Họ cũng không đánh giá cao công việc này của bạn, trừ những người đã từng phải “trả giá” khi thiết kế sản phẩm ẩu và mất nhiều tiền vì nó.

(ảnh remote testing với đủ thứ để làm – Nguồn ảnh: usabila)

Có nhiều việc chẳng vui vẻ gì

Ngoài việc ngồi vẽ UI, làm wireframe mà đa phần mọi người nghĩ về nó khi nghĩ tới UX (bởi nó khá thú vị) thì còn rất rất nhiều việc khác nữa bạn phải làm trong một dự án UX. Tôi có thể kể ra 20-50 công việc khác nhau mà bạn phải làm (nhiều khi chán ngấy) dù muốn dù không, tất nhiên tuỳ thuộc vào độ lớn của dự án và tuỳ thuộc vào qui trình của công ty bạn đang làm, qui trình của đối tác. Sau đây là một số ví dụ:

  • User research: cực kỳ lắm các thể loại kỹ thuật liên quan và càng làm càng thấy mông lung. Nhất là dự án có tính global như hệ thống website Kempinski.com mà tôi làm 3 năm qua. 80 website chạy trên 1 nền tảng, 7 ngôn ngữ cho site corporate, 19 ngôn ngữ cho các site khách sạn thành viên và lượng người dùng trải rộng khắp thế giới.  Chỉ một báo cáo về eyes-tracking thôi mà cãi nhau cả buổi.
  • Experience mapping: nếu bạn chưa làm bao giờ thì thử Google xem nó là cái gì và ngồi làm nó “tốn máu” như thế nào. Với website là một bản, với mobile là một bản, thậm chí nếu làm kỹ thì bạn có thể làm cho từng khâu như check-out, onboarding, cart-abandonment.. càng làm kỹ càng mất thời gian, thử đi thử lại, cứ có data rồi thì lại update.
  • Documentation: UX rất nặng về làm tài liệu và nó có đủ thể loại tài liệu trên đời. Từ personas, đến use case, cho tới wireframe, IA, search model, v.v.. và cái nào bạn cũng phải cho vào tài liệu chuẩn để gửi cho khách hàng. Có tài liệu là kích thước A4, có cái mô tả POC (proof of concept) thì tôi hay dùng A3 để lúc in màu ra cho đẹp + dễ nhìn. Nếu bạn không làm thì ai làm? cùng lắm bạn có thêm 1-2 BA tham gia giúp bạn, nhưng họ không thể mô tả cái ý tưởng của bạn cũng như những kết quả của bạn làm ra. User journey vẽ thì hay, nhưng mà ngồi mô tả main flow, exceptional flow, alternative flow cũng hết hơi.  
  • Presentation & meeting: Dự án càng lớn thì càng phải họp nhiều, trình bày + giải thích nhiều, thậm chí bạn cứ phải đi qua đi lại hoặc sang bên khách hàng ngồi on-site. Nhưng khách hàng họ còn lo làm việc của họ, đâu có làm với bạn hàng ngày, đôi khi tôi trình bày tại cuộc họp nhưng đối tác không nhớ 2 tuần trước chúng tôi đã làm những gì, đã xử lý tới đâu, tại sao hôm nay lại đưa ra giải pháp này?
  • v.v.. không muốn kể nhiều nữa vì…nói ra thì nhiều lắm 😀

(Hình mô tả user research, bạn có muốn làm không? Nguồn ảnh: IDF)

Khách hàng, họ là 1 thế giới khác

Đối với khách hàng, họ không quan tâm qui trình của bạn, không quan tâm tới thương hiệu của bạn, phần lớn họ chỉ quan tâm tới 3 điều: chi phí, tiến độ, và sản phẩm làm ra “trông” như thế nào. Nói như vậy để bạn hình dung được một điều, chỉ có một số ít khách hàng cá nhân sẽ “ngưỡng mộ” cái bạn làm ra, phần lớn còn lại, họ quan tâm tới vấn đề họ phải lo nghĩ, vì vậy, hãy cố gắng hiểu họ thay vì chỉ lo chăm chút bản thiết kế của mình. Hãy lắng nghe cái họ cần thay vì nghĩ rằng “ông/bà thì biết cái đếch gì về thiết kế mà nói…”, đúng là họ không biết UX, UI thật, nhưng họ biết họ cần gì (đặc biệt là chủ doanh nghiệp) và vì thế họ mới thuê bạn làm.

(Nhìn vào checklist cũng phát nản :D, nguồn ảnh: github.io)

Lời kết

Nhiều bạn nghĩ rằng: tôi chẳng cần thiết làm những việc ông nói ở trên, theme tôi làm ra bán vẫn chạy ầm ầm. OK, đấy là công việc làm web themes của bạn và nó rất hạn chế trong việc áp dụng UX (bởi nó tốt sẵn rồi, và expectation đã định hình từ lâu).  Còn ra dự án lớn, đa quốc gia, đa chủng loại người dùng, hay như một công ty có nhiều văn phòng khắp nơi trên Thế Giới, bạn sẽ phải làm những thứ đó. Tại sao? Thứ nhất, họ yêu cầu bạn làm thì bạn phải làm, đó là qui trình chuẩn và họ trả tiền cho bạn làm như vậy. Thứ 2, những kỹ thuật, qui trình này nhằm đảm bảo yếu tố thành công của dự án ở mức % tối đa với những rủi ro đi kèm.

Làm UX có nhiều cái vui nhưng cũng như các ngành nghề khác nó cũng có nhiều cái mệt mỏi, không vui vẻ gì. Bạn phải học cách vượt qua nó, sống chung với nó cũng như xây dựng một đội ngũ hiểu nhau, làm việc ăn ý với nhau. UX rất rộng và có nhiều việc phải làm. Đừng chỉ nhìn ở góc độ mình làm theme WordPress, Magento hay làm app du lịch, đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay v.v.. Khi nhìn UX ở góc độ business, projects… bạn sẽ thấy nó rất hay và rất khác.

Bài này hơi dài, nhưng bao lâu nay không thấy ai viết về vấn đề này, nên mình lại viết 😀

Hà Nội, tháng 12/2017

Binh Truong

Tại sao làm UX khó?

(Ảnh minh hoạ UX design, nguồn NN/g)

Làm việc liên quan đến UX khó, hay “UX khó” là câu cửa miệng của rất nhiều người. Từ những người mới tinh trong ngành, mới va chạm với “UI” hoặc UX concepts cho tới những bạn chuyển từ BA, Graphic design sang UX đều thấy nó khó, và thường “phán” luôn rằng UX “rất khó”. Vậy thực hư ra sao? có thật sự đây là một ngành khó không và nó khó tới đâu để bạn theo đuổi? Qua bài viết này, tôi sẽ cố gắng giải thích phần nào để mọi người cùng hiểu rõ.

Tại sao mọi người thường thấy UX khó

Nói về cái “khó” ở một lĩnh vực thì thường do mấy nguyên nhân như sau (theo kinh nghiệm cá nhân mình quan sát mấy năm qua trong các group về UX):

  • Vì tất cả mọi người xung quanh đều “bảo rằng” nó khó.
  • Không có mentor (người hướng dẫn) trong lĩnh vực này ở Việt Nam (hoặc không có nhiều)
  • Không được đào tạo bài bản về những lĩnh vực “liên quan” tới UX. Bạn cần hiểu rằng không có 1 trường lớp nào dạy “chuyên ngành UX”, bởi UX là một công việc và để làm công việc này bạn có thể xuất thân từ nhiều lĩnh vực liên quan.
  • Thị trường Việt Nam vẫn đa phần là các công ty Outsourcing hoặc các Startup không có tiền làm UX. Các tổ chức lớn thì chưa quan tâm tới UX (hoặc thế hệ lãnh đạo chưa hiểu vụ này) do đó những người muốn làm việc liên quan tới UX (VD: như mình chẳng hạn) sẽ có rất ít cơ hội để cọ xát, mà như vậy thì có học mãi cũng không vỡ ra, không giỏi lên được.
  • Hiểu sai từ đầu về UX, Usability, Utility, UI, v.v… Cái này khó trách bởi một phần là không có trường lớp / khoá học nào đào tạo cụ thể, tỉ mỉ những kiến thức này.
  • Không hiểu biết về tiêu chuẩn ngành, vì ở Việt Nam không ai nói về cái đó cũng như không ai đặt ra cái đó trong các dự án liên quan.

Những điều này dẫn tới nhiều “ngộ nhận” và khiến cho các bạn “lầm tưởng” mình đang làm UX, rồi càng đi càng chệch hướng sang “UI” hoặc product managent. Đến những nhà tuyển dụng cũng gộp luôn cái “job title” là “UI/UX” để cho dễ tuyển dụng, kiểu như tôi cũng đang tuyển người làm UX về… để vẽ UI. Cứ thế mọi thứ càng khiến những người muốn làm UX cảm thấy khó khăn, mông lung.

(Nguồn ảnh: Cultivate)

Thế UX có khó thật không?

Câu trả lời là có, nhưng không phải là không làm được nếu bạn được định hướng bài bản. Và những vấn đề “khó” của UX nằm ở nhiều khâu trong qui trình thiết kế và nhiều cấp độ khác nhau bao gồm cả yếu tố tác động bên ngoài. Quan trọng hơn cả, cái khó của UX khi vào dự án là bạn phải chứng minh tính hiệu quả của nó. Ví dụ

  • Các dự án UX được áp dụng ko chỉ với web hoặc mobile app, mà nó có phạm vi rộng ở touch screen, màn hình xe hơi, màn hình máy ATM v.v… Mỗi mảng nó có concepts, constraints riêng, cộng với dữ liệu phân tích audiences/ users, cộng với các design patterns.. từ đó outlight ra các concept & solution.
  • Xuyên suốt chiều dài của một dự án UX, facing & facilitate là kỹ năng bạn sử dụng nhiều nhất bởi mục đích cuối cùng của dự án là sản phẩm “đầu ra” của bạn được thông qua, đáp ứng “tất cả” các bên liên quan. Không qua được khâu này, bạn fail 😦

Cụ thể hơn được không?

Tất nhiên là được, các dự án UX trong thực tế thường có dạng như sau:

  • Bạn và team của bạn chạy 1 dự án UX, sau 2 tháng, facility meeting với chủ đầu tư mà bạn ko thuyết phục được các stakeholders bằng các option/solution bạn đưa ra -> bạn failed.
  • Bạn làm dự án UX, chạy 3 tháng, implement sản phẩm, chạy A/B testing các kiểu nhưng traffic ko tăng, conversion rate giảm, bạn không lý giải được các nguyên nhân chủ quan, khách quan -> bạn failed. Tất nhiên ai cũng hiểu vụ trafic và conversion còn phụ thuộc vào thời điểm trong năm (vd với website mua sắm), tính hiệu quả của marketing campaign, đội ngũ chăm sóc khách hàng, CX process v.v… nhưng dù nhiều hay ít, là người làm UX bạn vẫn có liên quan trong đó. Nên nhớ, tất cả (UX, CX, Communication, Marketing..) đều là 1 team trước mặt khách hàng mà thôi.

Khó thế thì làm thế nào?

Câu trả lời rất rộng nhưng cũng có thể gói gọn trong mấy khái niệm dưới đây:

  • Empathy – bạn phải hiểu người khác ở một mức độ nhất định (toàn bộ stakeholders) và những công cụ như personas, need finding… chính là phục vụ việc này.
  • Communications – vô cùng quan trọng, nó là một kênh / một kỹ năng để truyền tải trong dự án UX (và các dự án trong lĩnh vực khác cũng vậy)
  • Expectation management – kỹ năng này đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm từng trải trong sale, project management, account management mới có thể làm được. Chính vì thế làm dự án UX bạn không thể làm 1 mình (trừ phi dự án nhỏ, thật nhỏ).
  • Solution – giải pháp cho sản phẩm, dịch vụ và nó phải phù hợp với các yếu tố Time – Budget – Business Context (gọi là other tactics)

Đến đây chắc bạn cũng phần nào hình dung được tại sao làm UX nó liên quan tới BA, marketing, digital solution, thậm chí là hardware/devices, hay những kiến thức về project management, process (Lean, Agile, Sprint…)..v.v.. tất cả cũng chỉ hướng đến một mục tiêu nhằm đạt được hiệu quả cao trong các mục tiêu nói trên. Có điều kiện tôi sẽ nói kỹ hơn về các kỹ thuật liên quan của từng khái niệm trên.

Sau cùng, UX luôn đi cùng với strategy, và nó là high-level plan to achieve one or more business goals under conditions. Có nghĩa là thông qua việc xây dựng đội ngũ làm UX, một doanh nghiệp, hoặc một team làm sản phẩm sẽ sử dụng nó (UX) như một phần của chiến lược nhằm mang lại kết quả tốt hơn ở “nhiều khâu” khác nhau trong quá trình vận hành sản phẩm hoặc business của doanh nghiệp đó. Đừng chỉ nhìn ở góc độ UI của website hoặc UI của mobile app. UX rộng hơn thế.

Hà Nội, tháng 12/2017

Bình Trương.

Làm về UX nghĩa là làm gì?

(ảnh communication, nguồn Pinterest)

Hôm rồi có bạn hỏi mình “làm UX khó lắm hả anh?” làm mình thấy cũng băn khoăn, không hiểu sao thiên hạ cứ chụp mũ cho việc UX là cái gì ghê gớm, có lẽ tại ít việc liên quan tới UX ở Việt Nam và cũng ít người được đào tạo bài bản nên nhắc đến nó ai cũng thấy nó ít thông tin, cộng thêm với một loạt các thanh niên phông bạt, chém gió hay có thói quen “thần thánh hoá” vấn đề làm cho UX trở nên mù mịt, mông lung. Vì vậy, hôm nay mình sẽ viết một bài giải thích ngắn gọn về cái gọi là “đi làm UX”.

UX cũng chỉ là 1 công việc

Tôi còn nhớ khoảng đầu năm 2008, UX được nhắc đến ở Việt Nam với công việc “nhân viên sản phẩm”, nổi bật nhất là ở VCCorp. Sau đó thì mọi thứ được nở rộ, mọi người viết về nó nhiều hơn và thị trường việc làm ở nước ngoài cũng phân cấp rõ rệt hơn những “job title” liên quan đến UX, ví dụ như:

  • UI designer
  • UI/UX designer
  • UX designer
  • UX researcher
  • UX Metrics researcher
  • UX architect / Strategist
  • UX Lead v.v…

Tuỳ từng cty, từng team mà nó sẽ có những vị trí khác nhau, nhưng trong bài viết này tôi không định giải thích từng công việc trong lĩnh vực UX là làm gì mà chỉ muốn đơn giản hoá “làm UX” là thế nào.

UX là 1 lĩnh vực mà nó cung cấp cho ng ta 1 loạt các công cụ, qui trình để làm ra dịch vụ tốt hơn, sản phẩm tốt hơn từ đó mang lại giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp.

Một cách ngắn gọn, UX là một lĩnh vực mà nó cung cấp cho ng ta hàng loạt các công cụ, qui trình để làm ra dịch vụ tốt hơn, sản phẩm tốt hơn từ đó mang lại giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp, and that’s all. Những giá trị tốt hơn ở đây có thể hiểu là sản phẩm / dịch vụ được yêu thích, dễ sử dụng, có tính năng gắn kết với người dùng, khiến khách hàng, người dùng yêu thích và gắn bó hơn, từ đó tạo ra hiệu ứng tốt hơn về doanh thu, thương hiệu..v.v. Nó cũng giống như 6 Sigma, Agile, CMMi, IBA, v.v… là những lĩnh vực nhằm mang lại những giá trị tốt hơn cho khách hàng / người dùng, từ đó mang lại lợi nhuận, danh tiếng tốt hơn cho các nhà cung cấp (cụ thể là các công ty).

Như vậy, có thể thấy UXD (User Experience Design) cũng chỉ là một công việc. It’s just a job. Mà đã là một ngành nghề, một công việc thì nó cũng có những đặc thù của nó, cứ làm rồi sẽ biết, chẳng có gì ghê gớm. Dù là cá nhân, hay công ty, hoặc chỉ một bộ phận chịu trách nhiệm tham gia thiết kế sản phẩm, thì bạn cũng làm UX dưới dạng các dự án (mobile, web, chatbot, service design, v.v..) và đi theo các qui trình từ sale, pitch, kick-off, production, delivery, post launch, v.v.. Công việc UX của bạn tại mỗi thời điểm của dự án sẽ phải sử dụng các kỹ thuật khác nhau như khảo sát, thiết kế mẫu, kiểm tra… thậm chí việc này sẽ diễn ra liên tục từ lúc chỉ có bản thiết kế trên giấy, cho tới lúc có sản phẩm MVP, rồi beta, rồi go-live. Nó cũng có cái khó, cái dễ khi so sánh với những nghề khác như lập trình viên, phân tích hệ thống, marketing.

Vậy UCD thì sao? 

UCD (viết tắt của User-centered design) có thể hiểu nôm na là một process qua đó chúng ta sẽ được guideline từng bước trong qui trình thiết kế hướng tập trung vào người dùng bằng những kỹ thuật và công đoạn khác nhau.

(Mô phỏng UCD process – nguồn uxuo)

Có thể nhận thấy (theo hình trên), UCD là một qui trình với rất nhiều các bước, các công cụ, kỹ thuật khác nhau ở mỗi khâu nhằm đảm bảo sản phẩm đầu ra được thiết kế “sát” nhất với nhu cầu của người dùng.

User-centered design (UCD) or user-driven development (UDD) is a framework of processes (not restricted to interfaces or technologies) in which usability goals, user characteristics, environment, tasks and workflow of a product, service or process are given extensive attention at each stage of the design process. – Wikipedia

Nhưng, đó chưa phải là tất cả, bởi một sản phẩm phải đáp ứng 02 yếu tố:

  • Thoả mãn người dùng (để từ đó accquaired user, engage user, v.v..)
  • Thoả mãn yêu cầu của chủ đầu tư và các bên liên quan (stakeholders)

Đến đây bạn sẽ bắt đầu hình dung được tại sao phần lớn các dự án “fail” hoặc các bạn thuộc production team thường có tâm lý bất mãn với đội ngũ quản lý, bởi các bạn chỉ tập trung vào UCD mà quên đi rằng, một sản phẩm, dù có UX hay không nó vẫn phải mang lại hiệu quả và đáp ứng “nhiều” bên liên quan. Trong nhiều trường hợp, không phải các “sếp” không coi trọng UX hoặc phớt lờ bạn, mà bởi họ không đủ “vốn” để đi theo cái process UCD dài loằng ngoằng của bạn.

Như vậy, ở phạm vi bài viết này có lẽ giúp bạn phần nào phân biệt được việc “làm UX” là gì, và UCD đóng vài trò nào ở công việc UX. Bên cạnh đó, UCD cũng không có gì ghê gớm như nhiều người vẫn nghĩ. Các bài viết sau tôi sẽ dần giải thích những khái niệm khác để giúp bạn định hình rõ hơn về nghề này.

Hà Nội, tháng 12/2017