Thiết kế những trải nghiệm hành vi ngay cả khi người dùng không nghĩ tới…
(Ảnh: foursquare Easter Egg – chụp lại từ màn hình foursquare trên iPhone 4)
Một buổi tối tháng 7, lang thang sau cơn mưa mát dịu và gió thổi nhẹ như mùa heo may Hà Nội, ngồi trong quán cafe Fly Cupcake Garden giữa Sài Gòn, tôi mở ứng dụng foursquare để check-in như thói quen thường lệ của mình. Tại sao lại là foursquare mà không phải là check-in bằng Facebook như cách đây khoảng 1 năm? khi mà ứng dụng tính năng đánh dấu địa điểm đang rất hot trong giới mobile app? Câu trả lời rất đơn giản: nếu bạn check-in bằng foursquare, bạn đang tham gia “trò chơi” của họ, hay nói cách khác, foursquare áp dụng gamification rất tốt trong ứng dụng của họ, còn hiện tại, với Facebook thì không.
Foursquare áp dụng cách tính điểm cho người dùng cùng với việc “đấu tranh”, “rượt đuổi” để lấy quyền sở hữu địa điểm, hay còn gọi là mayorship. Bên cạnh đó người dùng còn tích lũy các phù hiệu trong suốt quá trình sử dụng phần mềm foursquare, cái này gọi là foursquare badges. Tóm lại, foursquare áp dụng triệt để 3 game mechanics cơ bản trong gamification đó là: points, badges và leader-board.
OK, nói như vậy về foursquare là quá đủ rồi, mọi người thích nó, và rất nhiều người sử dụng phần mềm này hàng ngày. Đối với tôi, có vẻ như chẳng có gì mới cả nếu không có 1 sự phát hiện thú vị tối nay.
Với bất kỳ ứng dụng iPhone nào, từ trước tới nay có 1 chuẩn mực chung để refresh notification những thông tin từ máy chủ, thông tin về những cập nhật của bạn bè, những địa điểm gợi ý xung quanh nơi bạn đang đứng hoặc ngồi uống cà phê. Đó là khi người sử dụng dùng ngón tay “miết” nhè nhẹ hoặc kéo nhẹ màn hình từ trên xuống dưới. Trong mobile design pattern, kiểu thiết kế này có tên gọi scroll down to update.
(Ảnh: scroll down to update của ứng dụng eMail, trên iPhone. Nguồn: Internet)
Có lẽ với một ứng dụng iPhone thông thường, việc thiết kế scroll down to update sẽ chỉ đơn giản hiển thị một biểu tượng loading… như hình trên. Vậy nếu người dùng cứ miết (kéo) màn hình xuống liên tục thì sao? (Có bạn sẽ thắc mắc là làm thế nào? Rất đơn giản, ở trang home của ứng dụng, bạn dùng 2 ngón tay cái, từ từ miết xuống màn hình iPhone, lưu ý rằng khi 1 ngón cái đang chạm vào màn hình và kéo xuống thì ngón tay cái thứ 2 phải tiếp nối quá trình đó và tiếp tục kéo, cứ thế cứ thế….). Những người thiết kế ứng dụng foursquare đã tính đến điều này. Bởi có lẽ họ cũng đã từng như tôi, ngồi rảnh rỗi (không biết làm gì) và cứ thế nghịch cái màn hình cảm ứng của iPhone. Kết quả là màn hình foursquare hiện lên hình ảnh 1 bé gái với quả bóng bay. Một cảm giác bất ngờ thú vị khi tôi khám phá ra điều này.
Vậy rốt cuộc nó là gì? Trong thiết kế phần mềm, đây là khái niệm “trứng phục sinh” (Easter egg), tức là 1 phần tính năng, thiết kế của phần mềm được ẩn đi mà chỉ có ai tìm hiểu / hack phần mềm đó thì mới phát hiện ra. Nó không có gì liên quan tới tính năng của phần mềm ngoài việc gây ra sự bất ngờ thú vị cho người dùng. Và với phiên bản foursquare 6.0 mà tôi đang dùng, thì đây chính là Easter egg của ứng dụng này.
Foursquare đã làm được điều gì trong thiết kế này?
- Thật đơn giản mà hiệu quả, họ đã truyển tải vào sản phẩm của mình những thứ khiến người dùng bất ngờ, khiến họ phải thốt lên “wow” và người dùng sẽ thêm yêu thích, gắn bó (engage) với foursquare lâu hơn.
- Không bỏ qua chi tiết trong thiết kế, ngay cả những ngóc ngách mà người dùng ít tìm ra hoặc ít khi để ý tới nhất. Điều này chúng ta đã từng thấy rõ rệt với sản phẩm iPhone, khi mà Steve Jobs yêu cầu nhân viên thiết kế bảng mạch điện tử bên trong phải thật đẹp mặc dù người dùng chẳng bao giờ nhìn thấy nó.
- Dẫn dắt người dùng khám phá sản phẩm, đây là một cách làm mới chính mình khi mà sản phẩm đã ra mắt và quen thuộc với người sử dụng.
- It’s funny. Quả đúng là như vậy. Foursquare cho thấy họ là một công ty trẻ trung và sáng tạo. Lập trình viên có thể làm ra những điều đáng yêu trong ứng dụng của họ, và người dùng thì cảm thấy thích thú.
- Chi tiết nhỏ, tạo tác động tâm lý phấn khích và từ đó lây lan qua hiệu ứng truyền miệng (ví như tôi đang ngồi viết lách kể lể đây cũng vậy)…và như thế công việc viral marketing sẽ lại càng tốt hơn.
Trải qua nhiều thập kỷ, khái niệm “trứng phục sinh” trong thiết kế phần mềm không còn mới mẻ, thậm chi còn được áp dụng rất rộng rãi với mục đích ban đầu là keep programmer happy. Tuy nhiên cách làm của foursquare khác biệt ở chỗ: nếu như các ứng dụng easter egg được cài cắm, giấu kín trong các phần mềm máy tính và chỉ có ai biết được cách truy cập đặc biệt (thông qua hack/tips hoặc guidelines) thì foursquare lại tạo điều kiện cho người dùng khám phá thông qua chính hành vi của họ. Ý tưởng này không mới, foursquare ứng dụng lại cách làm này, nhưng họ đã làm tốt hơn, sáng tạo hơn.
Ghi chú:
- Khi về nhà tìm lại trên internet thì cũng đã có 1 vài blog viết về sự khám phá này.
- Tham khảo thêm về software easter egg tại đây: http://www.eeggs.com