David and Goliath

Đi tìm ưu thế trong những điều bất lợi?

david-and-goliath

(Ảnh 1: Bìa sách “David and Goliath”, tác giả: Malcolm Gladwell)

Malcolm Gladwell vẫn giữ phong cách viết lách như mọi khi, đó là đưa ra một quan điểm (ở đây là “lợi thế của những điều bất lợi”) rồi thu thập dữ liệu, một khối lượng dữ liệu khá công phu và tỉ mỉ, để chứng minh, lý giải những điều đó.

Tuy nhiên trong cuốn sách này, Gladwell có vẻ như hơi “xuống tay” trong văn phong và lập luận của mình. Ông dùng quá nhiều ví dụ như những người mắc chứng khó đọc, những người dân London bị đánh bom, những người sinh ra trong hoàn cảnh khắc nghiệt… để dẫn chứng chung chung chứ chưa lý giải cặn kẽ cũng như lập luận chặt chẽ cho quan điểm của mình. Nhiều ví dụ nhét trong một cuốn sách gần 300 trang khiến các dẫn chứng như bị rời rạc hơn so với quan điểm xuyên suốt của nội dung.

Ở đâu đó trong cuốn sách này ta thấy rõ “yếu tố hoàn cảnh” giường như nổi trội hơn. Đây là khái niệm chủ đạo trong cuốn “Điểm bùng phát” của ông xuất bản khá lâu. Yếu tố hoàn cảnh tạo ra sự bão hòa trên đồ thị đường cong của sự bất lợi (còn gọi là Inverted U-Curve), cốt để nói lên rằng hoàn cảnh sẽ tự thích nghi nếu các điều kiện (dù là lợi thế) đi quá giới hạn của nó. Ngược lại, nếu các điều kiện của hoàn cảnh quá bất lợi và nếu người ta không thể thay đổi các yếu tố bất lợi đó, người ta sẽ tự thích nghi, thay đổi bản thân mình để biến nó thành lợi thế, thành môi trường để tôi luyện, qua đó thành công hơn.

u-curve_large

(Ảnh 2: mô hình U-Curve của Malcolm Gladwell)

Lập luận trên nghe “có lý” nhưng không hoàn toàn đúng. Bởi để một người biến những điều bất lợi thành lợi thế, hoặc một môi trường tốt vô tình gây ra những hạn chế cho những người tham gia (ví dụ như trường chuyên, lớp chọn) cũng chỉ có thể chứng minh ở cấp độ “thiểu số”. Điều đó có nghĩa là “David và Goliath” chỉ đưa ra được lập luận rằng: dù ở hoàn cảnh nào, cũng luôn có cơ hội để người ta vượt qua những giới hạn của nó (dù thực tế không phải ai cũng làm được như vậy). Cuốn sách không chứng minh cho bạn thấy 1 chân lý, cũng không khẳng định một định luật, chỉ là sự sưu tầm các hiện tượng lịch sử rồi từ đó đưa ra một cách nhìn khách quan, và phần nào mới mẻ hơn. (Nghĩa là giúp bạn khám phá thêm một góc nhìn).

Nội dung chính của cuốn sách không đề cập tới việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn / nhỏ, mà chỉ nói tới những cá nhân, hoặc cộng đồng vượt qua nỗi sợ hãi, hay những khó khăn trong cuộc sống của họ. Trong thực tế, khi bạn bị bám đuổi và tẩy chay bởi đám đông, hay bạn buộc phải sống trong chiến tranh, bạn có thể vẫn “lo sợ”. Bạn vượt qua nỗi sợ đó bởi “bạn không còn gì để mất”, hoặc phải liều lĩnh đi tiếp về phía trước khi đó là hy vọng duy nhất của bạn chứ không phải mọi nỗi sợ hãi / lo lắng, mọi điều “bất lợi” đã đi quá giới hạn của nó như Malcolm biện luận.

Câu truyện David đánh bại Goliath bằng chiếc “ná dây thun” (còn gọi là súng cao su) và những viên sỏi được sử dụng làm viên đạn. Goliath được miêu tả là một người cao lớn, đội mũ sắt, mang khiên và kiếm… Vì vậy điều vô lý trong câu truyện của Malcolm Gladwell là ở chỗ: nếu Goliath đội mũ bảo vệ bằng sắt thì David không thể nào bắn hạ Goliath một cách dễ dàng như vậy dù sức của David có khỏe tới đâu. Một điểm không hợp lý nữa là David có thể dễ dàng dùng chính thanh gươm của Goliath (sẽ nặng hơn rất nhiều so với thể trạng của David) để tiêu diệt đối thủ của mình (Goliath). (Trên WallStreetJournal có bạn nói về vụ này)

Độc giả nên tỉnh táo khi đọc cuốn sách này, và cũng nên giữ thái độ trung lập để có cái nhìn khách quan.

Advertisement