Áp dụng khái niệm “working memory” vào thiết kế website, application theo quan điểm xưa và nay
(Ảnh: the limits of short-term memory (trí nhớ ngắn hạn), nguồn: Internet)
Năm 1950, trong paper nghiên cứu của mình, George Miller đưa ra một kết luận về trí nhớ ngắn hạn của con người (short-term memory capacity), thông qua việc quan sát các thí nghiệm trong suốt thập niên (1950′) này, rằng khả năng ghi nhớ trung bình của mỗi người trong một khoảng thời gian ngắn giao động từ 5 đến 9. Phát biểu được xem là “kinh điển” thời bấy giờ còn được đúc kết thành con số 7 +/- 2 hay còn có tên gọi The magic number 7.
Nghiên cứu của Miller ngay sau đó được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, mà điển hình của nó là sự ra đời của số điện thoại đầu tiên, phát minh bởi Bell Telecom mà một trong những người có bằng sáng chế là Alexander Graham Bell. Số điện thoại đầu tiên của Bell Telecom có 7 chữ số dưới dạng như sau:
5551212
Cho tới những năm đầu của ngành viễn thông ở Việt Nam, khi các thuê bao chưa bùng nổ như ngày nay thì số điện thoại của các hộ gia đình, và các doanh nghiệp vẫn là 7 chữ số. Tôi còn nhớ số điện thoại đầu tiên mà VNPT cấp cho gia đình tôi là 5741994, hay số điện thoại của Taxi Mai Linh là 8.222666, những con số rất dễ nhớ.
Trong lĩnh vực thiết kế giao diện web và thiết kế giao diện phần mềm, suốt những thập niên 90′ và những năm đầu thế kỷ 21, việc áp dụng magic number 7 vẫn được áp dụng triệt để, ví dụ như:
- Số lượng menu trên 1 trang của website, thường là 5 đến 9 mục
- Số lượng bản tin hiển thị trên 1 trang tin tức, hoặc bản tin tóm tắt của một mục tin.
- Số lượng các mục lựa chọn của 1 drop-down list cũng được khuyến cáo trong vùng khả thi của trí nhớ nói trên
- Danh sách các mặt hàng trưng bày trên trang Home của một website e-commerce
- .v.v…
(Ảnh: chụp màn hình 1 chuyên mục trên trang chủ VnExpress, lưu ý số lượng bản tin là 5, số lượng các chuyên mục như Xã hội, Giáo dục, Tuyển sinh… tổng cộng là 7, và trên cùng, top menu các website của FPT cũng là 7 URL)
Nếu bạn chưa bao giờ để ý đến điều này, bạn có thể ngay lập tức kiểm chứng bằng cách truy cập các trang web phổ biến như VnExpress, hay Amazon để xem hiện tại họ trình bày thông tin như thế nào. Đây là 2 trang web phổ biến và có đặc thù khác nhau: 1 là website báo điện tử, và site còn lại là thương mại điện tử. Khối lượng thông tin của cả 2 website này đều rất lớn, nhưng cách tổ chức thông tin khá qui củ, chặt chẽ và khoa học.
(Ảnh: Chụp màn hình giao diện trang chủ Amazon, 1 trang thương mại điện tử phức hợp, nhưng menu được bố cục bên trái, nhóm các loại mặt hàng và số lượng menu được nhóm từ 5 đến 6 mục. Top menu trên cùng là 5 URLs, và trong mục sách (Books) cũng chỉ hiển thị 6 menu cấp dưới)
Với cách thiết kế và sắp đặt thông tin theo lý thuyết “trí nhớ ngắn hạn” của Miller, ngày nay các website, và ứng dụng phần mềm web-base/ cũng như một số desktop application vẫn tuân thủ để đảm bảo quá trình nhận thức thông tin, ghi nhớ và chọn lọc thông tin của người dùng được nhanh chóng và dễ dàng nhất.
Vậy thì lý thuyết magic number 7 vẫn hoàn toàn đúng và hợp lý đến ngày nay? Rất tiếc là không! Có nhiều nghiên cứu sau thời đại của Miller chỉ ra rằng, trí nhớ ngắn hạn của con người còn ít hơn con số 7 +/- 2. Con số magic number trong một số nghiên cứu khác chỉ là 3 hoặc 4 mà thôi.
Nếu như magic number là 3 hoặc 4 là một minh chứng cho trí nhớ ngắn hạn thì điều này dễ dàng được nhìn nhận và áp dụng trong một bối cảnh thiết kế giao diện phần mềm phổ biến ngày nay đó là: mobile context.
(Ảnh: giao diện mới hiện tại của Twitter, Facebook phiên bản iPhone đều bố trí từ 3 tới 4 menu/nút bấm để người sử dụng dễ dàng thao tác và tập trung vào tác vụ chính của ứng dụng)
Không chỉ bị giới hạn bởi không gian nhỏ hẹp của iPhone hay điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, ngày nay các nhà thiết kế ứng dụng web cũng dần thu hẹp số lượng item hiển thị trên các vùng thông tin của mình. Bên cạnh đó, ngày nay các số điện thoại quốc tế (tôi lấy ví dụ số điện thoại chuẩn của Mỹ) cũng chia nhỏ các dãy số thành từng nhóm 3 và 4 chữ số để hiển thị dễ dàng và giúp người dùng dễ ghi nhớ hơn:
555-1212
và ngay cả khi đi kèm với mã vùng như thế này 434-555-1212
Câu hỏi sau cùng của chủ đề này là ở góc độ những người thiết kế giao diện web, giao diện phần mềm, chúng ta có cần phải luôn tuân thủ những nguyên tắc “kinh điển” về “trí nhớ ngắn hạn” nêu trên? Câu trả lời, mà tôi đồng tình với nhiều nhà thiết kế, là không bắt buộc. Mục đích của một bản thiết kế tốt là hướng người dùng sử dụng đúng mục đích của ứng dụng, bên cạnh đó là giúp cho người dùng sử dụng dễ dàng sản phẩm của bạn chứ không phải ghi nhớ toàn bộ những gì hiện ra trên màn hình.
Sử dụng lý thuyết “trí nhớ ngắn hạn” hay còn gọi là “dung lượng kênh” của não bộ giúp cho việc thiết kế thông tin được mạch lạc, và dễ tiếp cận hơn, khiến cho quá trình nhận thức và ứng dụng của người dùng nhanh hơn, đơn giản hơn, và xa hơn nữa là người sử dụng có thể đưa ra quyết định nhanh hơn.
Một website thương mại điện tử sẽ khác với một website tin tức, và một ứng dụng game sẽ khác với ứng dụng social network. Hiện nay vẫn có những website có khối lượng thông tin khổng lồ, nhưng trước khi áp dụng lý thuyết working memory họ khoanh vùng các khối thông tin (chia để trị) cũng như sắp đặt luồng thông tin (flow) theo chiều sâu chứ không dàn trải như các website thời thập niên 90′ nữa. Chính vì vậy, việc áp dụng magic number 3, 4 hay 7 +/- 2 như thế nào sẽ tùy thuộc vào cấu trúc thông tin, nghiệp vụ của ứng dụng (mobile/web application) hay website của bạn.